7 năm sau 'game' thoái vốn Sabeco (SAB): Bộ Công Thương hưởng lợi lớn, ThaiBev cần thêm 39 năm để về bờ?

27-03-2024 19:00|Quốc Trung

Năm 2012, Tập đoàn SCG (Thái Lan) bắt đầu công cuộc thâu tóm Nhựa Bình Minh (BMP). Đến cuối năm 2017, "bom tấn" Sabeco (SAB) được kích hoạt. Đằng sau sự tiếc nuối của không ít nhà đầu tư là những nước cờ "cao tay" của người trong ván cờ.

Sabeco - "Nước cờ" cao tay của Bộ Công Thương?

Tại cuộc họp thường niên 2023 ở Bangkok (Thái Lan), CEO ThaiBev Group - ông Thapana Sirivadhanabhakdi từng khẳng định: "Sabeco là viên ngọc quý của chúng tôi - một tài sản quý hiếm trong tất cả các tài sản liên quan tới ngành sản xuất bia trong khu vực Đông Nam Á". Tuy nhiên, thực tế những gì Sabeco đã thể hiện kể từ khi đổi chủ đang đi ngược với nhận xét của vị lãnh đạo này.

Tiếp nhận 59,23% vốn Sabeco từ Bộ Công Thương hồi cuối năm 2017 khi cổ phiếu SAB đang neo vùng đỉnh lịch sử 32x.000 đồng/cp, đến thời điểm hiện tại, giá sau điều chỉnh của SAB chỉ còn 57.000 đồng/cp - tương ứng giảm khoảng 60% về sát vùng đáy lịch sử.

'Game' Sabeco (SAB): Bộ Công Thương giành chiến thắng, ThaiBev cần thêm 39 năm để về bờ?
Giá cổ phiếu Sabeco về sát vùng đáy lịch sử

Không phải bất kỳ nhà đầu tư nào, ThaiBev - cổ đông ngoại quốc đã chi 5 tỷ USD để thâu tóm Sabeco thời điểm đó tạm tính là cổ đông chịu thiệt hại nặng nhất.

Cụ thể, khoản đầu tư của ThaiBev (theo vốn hóa cổ phiếu sở hữu) đã giảm từ 110.000 tỷ đồng về mức 40.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại. Điều này đồng nghĩa, 70.000 tỷ đồng (2,92 tỷ USD) giá trị đầu tư của ThaiBev đã "bốc hơi" sau hơn 6 năm.

>> 29 mã VN30 đã 'chạy khỏe', cổ phiếu còn lại hiện ra sao?

Nhìn vào bức tranh kinh doanh năm 2023, có thể thấy tham vọng trở lại vị thế đầu ngành đồ uống của Sabeco đang gặp khó. Công ty mang về 30.500 tỷ đồng doanh thu và hơn 4.100 tỷ đồng lãi ròng năm vừa qua, giảm lần lượt 13% và 21% so với năm trước đó. Con số này cũng thấp hơn rất nhiều so với các mức mục tiêu 40.272 tỷ đồng và 5.775 tỷ đã đề ra tại ĐHCĐ thường niên cách đây hơn 1 năm.

Nhìn rộng cả quá trình từ thời điểm người Thái tiếp quản, tình hình kinh doanh của Sabeco trải qua nhiều thăng trầm, đã có lúc liên tục tăng trưởng để chạm đến đỉnh cao doanh thu vào năm 2019.

'Game' Sabeco (SAB): Bộ Công Thương giành chiến thắng, ThaiBev cần thêm 39 năm để về bờ?
Kết quả kinh doanh của Sabeco năm 2023 cách xa mục tiêu đề ra

>> Sabeco (SAB): Phía sau khoản lãi nghìn tỷ...

Dù chưa đem đến "cú bật" cho Sabeco trong từng ấy năm, tuy nhiên ThaiBev vẫn bỏ túi số tiền "khủng" gần 9.300 tỷ đồng sau 6 năm thâu tóm. Con số này tương đương khoảng hơn 8% số vốn mua cổ phần SAB.

Giả định mỗi năm công ty mẹ Thái Lan nhận về 1.550 tỷ đồng tiền cổ tức, phải cần đến 39 năm nữa để ThaiBev trở về điểm hòa vốn. Tất nhiên, đây là giả định trong trường hợp cổ phiếu SAB duy trì mức giá hiện tại.

'Game' Sabeco (SAB): Bộ Công Thương giành chiến thắng, ThaiBev cần thêm 39 năm để về bờ?
Nguồn: VnExpress

Hơn một thập kỷ trở lại đây, dòng tiền ngoại đến từ các doanh nghiệp Thái Lan đã mạnh tay rót hàng tỷ USD để thâu tóm nhiều doanh nghiệp đầu ngành trên sàn chứng khoán Việt. Năm 2012, Tập đoàn SCG bắt đầu công cuộc thâu tóm Nhựa Bình Minh (Mã BMP) - một trong những ông lớn ngành nhựa. Đến cuối năm 2017, "bom tấn" Sabeco cũng được kích hoạt sau cái bắt tay của Bộ Công Thương và ThaiBev.

Trong nước, nhiều nhà đầu tư tỏ ra luyến tiếc khi những thương hiệu Việt nổi tiếng lần lượt về tay nước ngoài, bị sáp nhập thậm chí biến mất. Không ít ý kiến thậm chí quy trách nhiệm cho ban lãnh đạo và chính sách, cơ chế quả lý của cơ quan liên quan khiến nhiều thương hiệu Việt bị "hòa tan" trong làn sóng M&A.

Tuy nhiên, nhìn từ câu chuyện Sabeco và cuộc chơi của Bộ Công Thương với ThaiBev, đến thời điểm này, hoàn toàn có thể khẳng định thoái vốn Nhà nước tại SAB chính là nước đi đúng đắn của Bộ Công Thương - những người đã nhận về 5 tỷ USD chỉ trong một cái bắt tay.

Trái lại, một số nguồn tin thậm chí cho rằng số tiền nhóm ThaiBev bỏ ra để thâu tóm Sabeco phần lớn là nguồn vốn vay từ một số ngân hàng Thái Lan.

Việc chi phối ông lớn ngành bia Việt là một trong những tham vọng lớn của đại gia ngành đồ uống ThaiBev tại sân chơi Đông Nam Á. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh đi xuống của Sabeco cùng với sự xuất hiện của các quy định về kiểm soát nồng độ cồn hay sự hụt hơi trong bài toán cạnh tranh thị phần với những tên tuổi bia ngoại (đặc biệt là Heineken) đang làm chậm lại tham vọng của ThaiBev.

>> Chuyện của Sabeco (SAB): Tại sao nhiều quán bia/nhà hàng lớn ở TP. HCM không bán Bia Sài Gòn?

Thời người Việt 'làm' Sabeco...

Còn nhớ tại tại ĐHCĐ cách đây nửa năm, cựu Chủ tịch HĐQT Sabeco Phan Đăng Tuất (lãnh đạo SAB từ quý III/2015 về trước) từng chia sẻ: "Xin chúc mừng Bia Sài Gòn (tên thường gọi của Sabeco) vì những gì đã đạt được trong năm qua, đặc biệt với cá nhân ông Bennett (người sắp thôi chức vụ CEO Sabeco). Tôi là người có tình yêu với Bia Sài Gòn. Và vì tình yêu, sẽ có hai câu chuyện. Đầu tiên là lãng mạn... nhưng thứ hai thì cần thiết hơn - đó là những lời trung thực.

Tôi muốn nói về những lời trung thực. Hiện tại tôi nghĩ Heineken đã vượt xa Sabeco. Thời chúng tôi làm, Heineken luôn đứng thứ hai. Tại sao vậy? Nếu là cổ đông, tôi sẽ hỏi câu đó! Đây mới là vấn đề cốt lõi của Bia Sài Gòn.

Với tư cách là một Giáo sư về chiến lược marketing, tôi cho là Sabeco đã có những hoạt động chưa chuẩn. Khi nói về marketing có hai khía cạnh: Đầu tiên là kỹ thuật marketing, thứ hai và quan trọng hơn là hệ sinh thái marketing.

Những năm qua tôi theo dõi, khía cạnh kỹ thuật marketing của Sabeco đã làm tốt... Nhưng thật tiếc vì không tốt bằng Heineken.

Trong khi đó, hệ sinh thái marketing thì hoàn toàn không tốt. Đó là lý do vì sao thị phần đang mất. Hồi chúng tôi làm, chúng tôi luôn coi Heineken là đối thủ; chúng tôi không học phương pháp của họ. Chúng tôi coi trọng khía cạnh sinh thái marketing – nói một cách dễ hiểu là việc đi tìm các chương trình marketing phù hợp với từng nhóm khách hàng mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam.

Tôi biết rằng, Heineken làm sao biết người miền Tây uống bia như thế nào, uống lúc nào, uống ra sao. Họ không thể biết người nông dân Bắc bộ uống bia trong hoàn cảnh nào, miền Trung khắc nghiệt uống ra sao. Chúng tôi thì may mắn hơn... vì chúng tôi biết điều đó.

Sabeco (SAB) và viên ngọc sáng không thể vụt tắt

Tôi rất tiếc, suốt những năm qua, chưa có một lần chúng tôi – những nguyên lãnh đạo - được hỏi về kinh nghiệm đã tích lũy suốt nhiều năm qua. Nhưng hy vọng rằng bây giờ và sau này vẫn chưa muộn. Nếu như trong bất kỳ hoàn cảnh nào "các vị" có muốn tham khảo, chúng tôi sẽ luôn sẵn sàng.

Tôi đã nghiên cứu, thị trường bia ở Việt Nam hoàn toàn khác với Thái Lan hay Singapore. Chúng tôi sống ở đây 65 năm, đã đi đến 63 tỉnh thành ở Việt Nam, đã tiếp xúc với nhiều tầng lớp, đã tiếp cận người ở từng địa phương, không thể nói chúng tôi không hiểu về thị trường.

Giờ thì về phần lãng mạn, xuất phát từ tình yêu với Bia Sài Gòn, tôi chúc các vị sẽ sớm tìm được chìa khoá để mở ra chiến lược marketing đúng, để cải thiện trong những năm tới".

>> Sabeco (SAB) - Nỗi lo của những chai Sài Gòn lùn

Sa thải 8.000 nhân sự trong năm 2023, Chủ tịch Thế giới Di động 'cảm kích' trước 65.000 nhân viên còn lại: 'Đây tài sản lớn nhất của tập đoàn'

Cổ phiếu 'tân binh' TTCK giảm 30% chỉ sau 7 phiên, đang có 'game' chuyển nhượng giá 1 triệu đồng/cp

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/7-nam-nhin-lai-game-sabeco-sab-bo-cong-thuong-gianh-chien-thang-thaibev-can-them-39-nam-de-ve-bo-227904.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    7 năm sau 'game' thoái vốn Sabeco (SAB): Bộ Công Thương hưởng lợi lớn, ThaiBev cần thêm 39 năm để về bờ?
    POWERED BY ONECMS & INTECH