Câu chuyện đầu tư

Bài toán ‘con gà, quả trứng’: Chứng khoán HSC (HCM) làm gì để cân đối giữa thị phần môi giới và không zero-fee?

Thu Huyền 17/11/2024 10:30

Với thị phần khách hàng hút được nhờ cuộc đua miễn giảm phí, nhiều CTCK có thể tăng nguồn thu từ lãi cho vay margin, điều này tạo áp lực không nhỏ cho Chứng khoán HSC (HCM).

Theo tài liệu ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 4/12 tới đây, HĐQT CTCP Chứng khoán TP. HCM (Chứng khoán HSC - HoSE: HCM) dự kiến trình cổ đông xem xét và thông qua phương án chào bán gần 360 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ phát hành là 50% (sở hữu 2 cổ phiếu có quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới) và thời gian chào bán dự kiến trong năm 2025.

Nếu phương án này được thông qua và triển khai thành công, Chứng khoán HSC sẽ huy động được khoảng 3.600 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên mức 10.800 tỷ đồng (tương đương 1,08 tỷ cổ phiếu).

Lối thoát giúp Chứng khoán HSC "cởi trói" margin

Kế hoạch tăng vốn được đề ra trong bối cảnh trần cho vay ký quỹ tại HSC đã gần chạm trần và cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán càng trở nên gay gắt nhằm đáp ứng hoạt động non-prefunding của khối ngoại đã chính thức có hiệu lực từ ngày 2/11.

Tính đến ngày 30/9, dư nợ cho vay ký quỹ của HSC lên đến 19.286 tỷ đồng, tăng mạnh 60% so với đầu năm. Điều này kéo theo tỷ lệ dư nợ cho vay ký quỹ /vốn chủ sở hữu ở mức 190%, tiến sát mức tối đa 200% theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong hai lần tăng vốn gần nhất, Chứng khoán HSC đã ghi nhận những tác động quan trọng đến kết quả kinh doanh.

Bài toán ‘con gà, quả trứng’: Chứng khoán HSC (HCM) làm gì để cân đối giữa thị phần môi giới và không zero-fee?
Lịch sử tăng vốn của HSC từ khi niêm yết đến năm 2023 (nguồn: BCTN 2023)

Lần tăng vốn năm 2021, HSC đã phát hành hơn 152 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 14.000 đồng/cp, giúp nâng cao năng lực tài chính. Nguồn vốn này được sử dụng để mở rộng hoạt động cho vay margin và đầu tư công nghệ. Nhờ đó, HSC ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2021 cao kỷ lục, đạt hơn 1.147 tỷ đồng, tăng 116% so với năm 2020.

Tại lần tăng vốn hồi tháng 4/2024, Chứng khoán HSC đã chào bán hơn 178 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiệu hữu (77,94% tổng số lượng chào bán), qua đó nâng vốn điều lệ từ 5.266 tỷ đồng lên 7.048 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn mới, kết quả kinh doanh quý II đã tăng mạnh với lãi ròng đạt 313 tỷ đồng - gấp đôi cùng kỳ, đồng thời là mức lãi quý cao nhất gần 3 năm.

Doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trong quý III với doanh thu tăng 38% so với cùng kỳ, đạt 1.138 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng nhẹ 4%, đạt 222 tỷ đồng chủ yếu do thanh khoản thị trường chung giảm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, HSC ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 3.095 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.011 tỷ đồng, lần lượt tăng 52% và 64% so với cùng kỳ năm trước.

“HSC có một cách đi riêng, kết hợp nhiều thứ chứ không phải giảm giá tăng thị phần”

Trong quá khứ, HSC đã từng là CTCK lớn thứ 2 TTCK giai đoạn trước năm 2020 với thị phần môi giới thường xuyên duy trì trên 10%. Tuy nhiên, làn sóng nhà đầu tư cá nhân đổ bộ vào TTCK sau COVID-19 đã thay đổi hoàn toàn cục diện ngành chứng khoán. HSC dần đánh mất thị phần vào tay các đối thủ trong bối cảnh hoạt động tăng vốn gặp “bế tắc”.

Việc mất dần vị thế luôn là vấn đề quan trọng được cổ đông thảo luận tại các kỳ ĐHĐCĐ thường niên của HSC. Ban lãnh đạo lý giải bên cạnh những yếu tố về cơ cấu giao dịch thị trường thay đổi chuyển sang giao dịch ETF, cạnh tranh gay gắt khi nhiều CTCK áp dụng phí giao dịch bằng 0.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, khi được hỏi về chiến lược zero-fee, HSC nhận định hiện nay nhiều CTCK đang bước vào cuộc đua về giá với chiến lược này để đạt thị phần cao. Tuy nhiên, công ty nhận định sẽ không giảm giá về zero nhưng đảm bảo phí cạnh tranh, linh động.

“Chúng ta có một cách đi riêng, kết hợp nhiều thứ chứ không phải giảm giá tăng thị phần”, ban lãnh đạo HSC chia sẻ.

Thực tế, trong năm 2023, mặc dù Chứng khoán VPS đứng đầu thị phần môi giới với 19,06%, doanh thu nghiệp vụ môi giới vì vậy cũng cao nhất thị trường (2.785 tỷ đồng) nhưng biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 19%, kém xa so với HSC là 40%. Ngoài ra, HSC cũng vượt qua nhiều đối thủ lớn khác như SSI (12,4%) và VNDirect (29%) khi hai đơn vị này cũng liên tục mở rộng thị phần môi giới.

>> Thị phần môi giới quý III/2024 trên HoSE: VPS tiếp tục áp đảo, VNDirect (VND) ‘out’ Top 5

Bài toán ‘con gà, quả trứng’: Chứng khoán HSC (HCM) làm gì để cân đối giữa thị phần môi giới và không zero-fee?
Lợi nhuận gộp 4 năm gần đây của Top 5 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất

Nói không với zero-fee và kế hoạch tăng vốn, liệu HSC có thể giành lại thị phần môi giới?

Với thị phần khách hàng hút được nhờ cuộc đua miễn giảm phí, công ty chứng khoán có thể mở rộng nguồn thu từ sản phẩm, dịch vụ khác. Trong đó, một nguồn thu quan trọng là lãi từ cho vay margin.

Đối với HSC, từ khi chạm đáy thị phần môi giới trên HoSE vào quý II/2023 tại 4,98%, doanh nghiệp đã liên tục bứt tốc và chiếm 6,65% vào quý III/2024, lọt Top 5 thị trường.

Theo Chứng khoán DSC, HSC đang có phí dịch vụ môi giới cũng theo hướng linh động và cạnh tranh hơn, từ đó kiếm lợi nhuận ở việc cho vay margin. Đây cũng là xu hướng mà nhiều công ty chứng khoán đang hướng đến.

Điều này kéo theo việc margin trở thành "gà đẻ trứng vàng" trong hoạt động kinh doanh của HCM. Doanh nghiệp tăng cường cho vay với dư nợ margin tại thời điểm ngày 30/9 lên đến 19.286 tỷ đồng, tăng 7.151 tỷ đồng (+59%).

Bài toán ‘con gà, quả trứng’: Chứng khoán HSC (HCM) làm gì để cân đối giữa thị phần môi giới và không zero-fee?
Thị phần môi giới HSC quý thứ 5 liên tiếp

Chứng khoán DSC cho rằng động thái HSC tăng vốn là cần thiết trong bối cảnh nút thắt prefunding đã được tháo gỡ, các CTCK cần chuẩn bị nguồn lực để nâng cao năng lực thanh toán. Đồng thời, hoạt động cho vay margin tăng trưởng liên tục trong thời gian vừa qua cũng khiến dư địa cho vay của HSC không còn nhiều trong quý IV.

Theo đó, DSC kỳ vọng cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào tháng 12 tới đây về việc tăng vốn sẽ giúp tháo gỡ vấn đề này. Việc tăng vốn có thể nâng cao dư nợ cho vay, qua đó có thể cải thiện thị phần môi giới.

Cùng quan điểm trên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc HSC cho biết thị phần môi giới giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân giảm mạnh cũng chính bởi công ty không đủ vốn. Quá trình tăng vốn của HSC chậm trễ, như đợt tăng vốn gần nhất đã phải mất gần 2 năm mới hoàn tất và đưa được tiền tăng vốn vào sử dụng. Việc này làm thiệt hại khi thị trường bùng nổ giao dịch, đón nhu cầu lớn của các nhà đầu tư.

Hiện nay, Chứng khoán HSC đã và đang tập trung vào việc phát triển, mở rộng tệp khách hàng tổ chức có tiềm lực trên thị trường chứng khoán (TTCK) với thị phần mảng tổ chức đang dẫn đầu, ước tính chiếm khoảng 40-50% thị phần.

Với vị thế mạnh mẽ trong mảng này, HSC sẽ có cơ hội tăng cường doanh thu và lợi nhuận khi dòng vốn từ các quỹ quốc tế đổ vào, đặc biệt là trong giai đoạn sau khi thị trường được nâng hạng, đón đầu dòng vốn nước ngoài có thể lên tới 6 tỷ USD.

Theo Chứng khoán Maybank, lợi nhuận của HSC sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong ngắn hạn và triển vọng hưởng lợi từ việc nâng hạng TTCK Việt Nam.

>> 10 công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần môi giới kinh doanh ra sao trong quý III/2024?

Doanh thu môi giới của các CTCK giảm mạnh dù thị trường có thêm 1 triệu tài khoản mở mới, điều gì đang diễn ra?

Chứng khoán HSC báo lãi 222 tỷ đồng, đánh đổi lợi nhuận mảng môi giới lấy cho vay margin?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bai-toan-con-ga-qua-trung-chung-khoan-hsc-hcm-lam-gi-de-can-doi-giua-thi-phan-moi-gioi-va-khong-zero-fee-260467.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bài toán ‘con gà, quả trứng’: Chứng khoán HSC (HCM) làm gì để cân đối giữa thị phần môi giới và không zero-fee?
    POWERED BY ONECMS & INTECH