Bên trong hầm thông biển đầu tiên của Việt Nam: Cách mặt đất 6,5m, nằm dưới 'con đường vàng' của vịnh biển đẹp nhất thế giới
Công trình này có tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng, được xây dựng với mục tiêu bảo đảm an toàn cho khách lưu trú tại khách sạn khi đi ra biển.
Vịnh Nha Trang được biết đến với hệ thống các đảo lớn nhỏ, được mệnh danh là “hòn ngọc biển Đông” với những danh lam thắng cảnh tuyệt vời đã tạo ra một sức hấp dẫn thu hút hàng triệu du khách. Ngoài những danh lam thắng cảnh xinh đẹp, vịnh Nha Trang còn có hai đường hầm "có một không hai" mà du khách không thể bỏ qua.
Hầm thông biển đầu tiên của Việt Nam
Ở Nha Trang, khách sạn Best Western Premier Havana sở hữu một điều vô cùng đặc biệt mà không khách sạn nào ở Việt Nam có được, đó là đường hầm riêng biệt nối liền từ khách sạn ra bãi biển dưới lòng đường Trần Phú. Theo thiết kế, đường hầm có chiều dài hơn 56m, chiều rộng 4,1m, tổng diện tích khoảng 1.902,4m2. Ngoài đường đi bộ, trong đường hầm còn có khu vực nhà hàng, nhà vệ sinh, khu tắm nước ngọt… Tất cả đều nằm cách mặt đất từ 1,5m xuống tới độ sâu 6,5m.
Không cần đem theo nhiều đồ khi đi tắm, không cần phải băng qua đường, không ngại khi muốn đi dạo vào bất cứ lúc nào, kín đáo và an toàn tuyệt đối là những gì mà đường hầm thông ra biển ở Havana có thể mang đến cho bạn. Công trình này có tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng, được xây dựng với mục tiêu bảo đảm an toàn cho khách lưu trú tại khách sạn khi đi ra biển.
Khách sạn Best Western Premier Havana khai trương vào tháng 1/2013. Với chiều cao 41 tầng (từ tầng hầm đến các tầng kỹ thuật), đây là khách sạn cao nhất thành phố biển Nha Trang tại thời điểm khánh thành. Dự án mang nét kiến trúc hiện đại, thân thiện với môi trường và khá nổi bật trên đại lộ Trần Phú.
Ngoài hệ thống dịch vụ tiêu chuẩn 5 sao, khách sạn còn được đầu tư nhiều hạng mục tiện ích độc đáo như đường hầm dưới lòng đường Trần Phú, nối khách sạn thông ra bãi biển, phòng khám đa khoa quốc tế, nhà hàng Skyline có 3 mặt ngắm biển...
Bên cạnh đó, dự án cũng có tháp đậu ô tô tự động theo công nghệ Đức với sức chứa 200 ô tô từ 4-7 chỗ và hồ bơi cho người lớn và trẻ em. Khu kỹ thuật đặc biệt được đầu tư để lắp đặt thiết bị tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chí tòa nhà khách sạn thân thiện, sạch và xanh.
Thủy cung bên trong hầm xuyên núi
Hệ thống Aquarium của Bảo tàng Hải dương học do Viện Hải dương học quản lý điều hành và tổ chức hoạt động. Hệ thống có diện tích 5.000m2, bao gồm tổ hợp bể nuôi sinh vật biển với hơn 300 loài (các loại rùa biển, cá mập, cá đuối, cá chình, cá mú, san hô sống với các loại cá cảnh biển, tôm hùm…)
Để phục vụ nghiên cứu, tham quan cũng như giáo dục cộng đồng, tháng 4/2022, Viện Hải dương học đã ra mắt “hồ vòm thuỷ cung” trong hoạt động thử nghiệm tổ hợp các bể nuôi sinh vật biển cỡ lớn thuộc khu trưng bày "Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam".
Khu vực này được cải tạo từ đường hầm xuyên núi xây bởi người Pháp vào năm 1930, với chiều dài 120m, rộng 8-10m và độ cao 5m. Đường hầm từng được dùng để vận chuyển hàng hóa từ cảng biển Nha Trang sang núi Cảnh Long.
Phía trên cùng của hầm được tận dụng cải tạo lại để phục vụ công tác vận hành, giám sát kỹ thuật. Khu vực này gồm các hệ thống lọc tách bọt protein skimmer, hệ thống lọc cát, lọc sinh học, máy sục khí luân phiên, máy sục ozone và hệ thống đèn UV khử trùng.
Ngoài ra, hoạt động thử nghiệm còn giới thiệu đến du khách hồ trụ acrylic, hồ cá san hô mềm, hồ mô phỏng rạn san hô vòng được trang bị công nghệ hiện đại và những mẫu vật biển thể hiện được vẻ đẹp của các loài sinh vật và đặc trưng cho hệ sinh thái tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.