Bình Thuận được đề xuất có thêm ga thứ 3 trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam
Sáng ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ông Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Theo đó, Chính phủ đề xuất xây dựng tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu về an ninh, quốc phòng vận tải hàng hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng gần 11.000ha, số dân tái định cư khoảng gần 121.000 người. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng hơn 67 tỷ USD, thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố với 23 ga khách với cự ly trung bình 67km và 5 ga hàng với các đầu mối hàng hóa. Điểm khởi đầu của toàn tuyến là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Mỗi vị trí ga hành khách được quy hoạch không gian phát triển từ 200-500ha, cùng 5 ga hàng hóa có quy mô khoảng 24,5ha mỗi ga.
Danh sách các ga hành khách qua 20 tỉnh của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: BCTKT |
Mỗi địa phương được bố trí 1 ga. Tuy nhiên, có 3 địa phương sẽ được sắp xếp 2 ga để đảm bảo tàu chạy với vận tốc khai thác tối đa 320km/h, chiếm 70-80% chiều dài giữa 2 ga dừng (cự ly tăng tốc khoảng 7,2km; cự ly giảm tốc khoảng 9,5km).
Cụ thể, tại Hà Tĩnh được bố trí 2 nhà ga là ga Hà Tĩnh và ga Vũng Áng; tại Bình Định có 2 ga là ga Bồng Sơn và Diêu Trì và tại tỉnh Bình Thuận là ga Phan Rí và Mương Mán.
Ngoài 23 ga trên, Chính phủ cho biết trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã đề xuất một số ga tiềm năng như: Nghi Sơn (Thanh Hoá), Chân Mây (Huế), La Gi (Bình Thuận), Cam Lâm (Khánh Hoà).
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Tuy nhiên, các ga này sẽ được hình thành khi địa phương phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn để khoảng cách giữa các ga đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Ở thời điểm hiện tại, nếu đầu tư vào những vị trí ga trên có thể dẫn đến khai thác không hiệu quả bởi nhu cầu vận tải ở những vị trí trên chưa cao.
Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam hứa hẹn sẽ mang lại một cuộc cách mạng mới cho giao thông vận tải Việt Nam. Đặc biệt, không chỉ trong lĩnh vực giao thông, dự án còn giúp Việt Nam phát triển về kinh tế và xã hội.
Trong buổi trao đổi với báo chí về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam diễn ra đầu tháng 10/2024, Bộ GTVT nhấn mạnh: “Tàu chạy đường sắt cao tốc sử dụng năng lượng điện là một trong các giải pháp tối ưu chuyển đổi phương thức vận tải trong bối cảnh Việt Nam đang ưu tiên phát triển nền kinh tế các-bon thấp, đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26".
Đường sắt tốc độ cao phát thải CO2 thấp hơn máy bay 8,5 lần, thấp hơn ô tô 3,7 lần. Đến năm 2040, Việt Nam ước tính sẽ tiết kiệm khoảng 67 triệu USD chi phí do giảm phát thải CO2 và đến năm 2050, con số này lên tới 172 triệu USD.
Bên cạnh đó, theo tính toán của ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), tại Việt Nam, mỗi năm tổn thất khoảng 2,9% GDP do tai nạn giao thông. Khi có đường sắt tốc độ cao, tai nạn giao thông giảm nên chi phí thiệt hại sẽ tiết kiệm khoảng 849 triệu USD vào năm 2024 và khoảng 1.906 triệu USD vào năm 2025.