Bộ Nội vụ sắp bổ sung 27.800 biên chế giáo viên cho địa phương
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đang báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để tới đây giao cho các địa phương khoảng 27.800 biên chế giáo viên.
Tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội trong tuần qua, nhiều đại biểu phản ảnh về tình trạng nhiều địa phương hiện nay đang thiếu giáo viên, nhất là giáo viên bậc tiểu học.
Đề nghị tăng chế độ, chính sách với giáo viên
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Yên Bái nêu thực tế hiện nay nhiều nơi, nhất là ở vùng cao, miền núi khó tuyển giáo viên tiểu học, dẫn đến nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ khác của trường.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần cơ chế cho phép tuyển giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng, nhất là với các môn tin học, tiếng Anh, mỹ thuật, sau đó nâng chuẩn theo quy định.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu tăng chế độ, chính sách với giáo viên, trong đó có chính sách ưu đãi trong đào tạo, tuyển dụng giáo viên ở miền núi, vùng cao.
Giải đáp về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là câu chuyện hầu như năm nào cũng có.
Trên cơ sở quyết định của Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, năm học vừa qua, Bộ Nội vụ đã giao 27.850 biên chế.
Từ của các địa phương cho thấy còn thiếu 101.000 giáo viên nhưng thực chất có trên 64.000 là do chưa tuyển được giáo viên. Việc này có thể thực hiện kết hợp với tuyển bổ sung.
Bộ trưởng Nội vụ cũng nêu thực tế nhiều nơi không có nguồn giáo viên để tuyển như một số đại biểu đề cập. Đây cũng là bài toán cần tính toán lâu dài.
Nếu nhìn vào định mức hiện nay, cả nước chỉ còn thiếu trên 39.000 biên chế giáo viên. Con số này căn cứ vào số lượng trường, lớp, học sinh phát sinh.
Vì vậy Bộ Nội vụ cũng đã thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương và hiện nay bộ đang báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để tới đây giao thêm cho các địa phương khoảng 27.800 biên chế giáo viên phục vụ cho năm học này. Như vậy trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị bổ sung vẫn chỉ còn thiếu hơn 10.000 biên chế giáo viên có thể bổ sung vào năm sau.
“Căn cứ theo các tiêu chí, sẽ phân bổ đợt tới đây để bổ sung thêm số biên chế giáo viên còn thiếu. Về phía Bộ Nội vụ, chúng tôi cũng đã rất chủ động để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc này”, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng, Bộ trưởng Nội vụ đã cam kết không để thiếu biên chế giáo viên. Việc thiếu giáo viên hay không còn phụ thuộc vào các địa phương có tuyển được hay không.
Có cơ chế thu hút sinh viên sư phạm ra trường trở về địa phương giảng dạy
Trước đó, trong báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội thuộc lĩnh vực Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã nêu nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học do tăng quy mô học sinh, triển khai các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cụ thể, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ quán triệt, hướng dẫn các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có quản lý, sử dụng hiệu quả số biên chế giáo viên được giao; tuyển dụng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, vị trí việc làm, cơ cấu môn học theo từng bậc học…
Đối với năm học 2023-2024, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát nhu cầu thừa, thiếu giáo viên đối với từng bậc học để bổ sung cho các địa phương.
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2022, trong đó có quy định các địa phương chưa được giao đủ định mức thì sẽ được ký hợp đồng đối với giáo viên theo quy định, bảo đảm kịp thời bố trí đủ nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục công lập.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn địa phương xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, nhất là tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong đó có việc nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách để thu hút sinh viên sư phạm ra trường trở về địa phương giảng dạy; thu hút sinh viên giỏi tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo giáo viên hoặc sinh viên giỏi tốt nghiệp các ngành khác có nguyện vọng dự tuyển vào làm giáo viên.
Đồng thời, nghiên cứu, dự báo quy mô dân số trong độ tuổi đi học của từng cấp, bậc học tại địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để có phương án đào tạo nhà giáo, bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình bổ sung biên chế giai đoạn 2026-2030.
Bí thư tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, riêng chuyện học phí hiện nay các địa phương đang gặp lúng túng.
Năm 2021 – 2022, do tác động của đại dịch Covid-19, điều kiện kinh tế khó khăn nên các địa phương dừng thực hiện việc thay đổi mức học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021 quy định về "cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo".
Đến năm nay, các địa phương cũng đang tính toán ban hành các nghị quyết về mức thu học phí nhưng chưa thực hiện được và vẫn đang chờ Nghị định 81 sửa đổi.
"Vấn đề này, lãnh đạo Chính phủ đã có kết luận giao Bộ Giáo dục Đào tạo sớm tham mưu sửa đổi Nghị định 81 nhưng hiện nay cả nước đang lúng túng, không rõ mức học phí tiếp tục giữ nguyên hay thay đổi như thế nào. Chung tôi ban hành nghị quyết của HĐND 2 năm nay rồi nhưng vừa rồi tạm dừng để chờ nghị định của Chính phủ", Bí thư tỉnh ủy Yên Bái nói.
Xóa bỏ cào bằng trong tính định mức biên chế giáo viên
Để giáo viên có thu nhập thực sự sống bằng nghề mới là quan trọng nhất