Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Không loại trừ khả năng hủy niêm yết các cổ phiếu Trung Quốc trên TTCK Mỹ
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent, kêu gọi các đồng minh của Mỹ cân nhắc việc tái cân bằng với Trung Quốc và cảnh báo về việc phá giá nội tệ nhằm đạt lợi thế thương mại.
Ngày 9/4, nhật báo Economic Times đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent nhấn mạnh rằng “mọi phương án đều được đặt lên bàn” khi nói đến việc loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh vẫn đang tiếp diễn.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng tổng mức thuế nhập khẩu từ Trung Quốc lên 104% (có hiệu lực vào ngày 9/4), Chính phủ Trung Quốc cũng đáp trả bằng cách nâng mức thuế trả đũa đối với Mỹ lên 84%.

Phát biểu trên kênh Fox Business Network, ông Scott Bessent - người được xem là thân cận với nhóm cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết quyết định loại bỏ cổ phiếu Trung Quốc khỏi các sàn chứng khoán Hoa Kỳ sẽ do chính “ông chủ Nhà Trắng” đưa ra.
“Đó sẽ là quyết định của ông Trump”, Bộ trưởng Tài chính Bessent nói khi được hỏi về khả năng loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.
Phát biểu của ông Bessent được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu ngày càng leo thang và xu hướng chuyển sang các chiến lược kinh tế bảo hộ đang gia tăng tại Mỹ. Ông kêu gọi các đồng minh của Mỹ hãy suy nghĩ về cách “tái cân bằng với Trung Quốc”.
“Trung Quốc không nên cố phá giá đồng tiền để thoát khỏi tình thế này”, ông Bessent cảnh báo về nguy cơ phá giá cạnh tranh của “đất nước tỷ dân” để giành lợi thế thương mại.

Ông Bessent cũng kêu gọi Trung Quốc nên hợp tác một cách cởi mở hơn với Mỹ và các đồng minh.
“Trung Quốc nên ngồi vào bàn đàm phán”, ông nói. Điều này cho thấy rằng đàm phán ngoại giao và kinh tế vẫn có thể đóng vai trò quan trọng nếu Trung Quốc chọn đối thoại thay vì trả đũa Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của ông Trump.
Theo Economic Times
>> Nóng: Trung Quốc đáp trả ông Trump, tuyên bố áp thuế 84% đối với hàng hóa Mỹ