Bức tranh ngành bán lẻ và tiêu dùng 2024: Tăng trưởng chậm nhưng ổn định
Dù tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại, ngành bán lẻ và tiêu dùng Việt Nam năm 2024 vẫn duy trì sự phục hồi ổn định, phản ánh khả năng thích ứng trước biến động kinh tế toàn cầu.
Ngành bán lẻ và tiêu dùng Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Theo báo cáo từ Mirae Asset, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 10 tháng đầu năm đạt 5.246,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tháng 10/2024, mức tăng trưởng đạt 7,1% YoY, thấp hơn so với mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn trước đại dịch COVID-19, nhưng vẫn cho thấy sự ổn định cần thiết trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.
Doanh thu bán lẻ Việt Nam giai đoạn 2015-2024. Nguồn: Phòng phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam tổng hợp, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO). |
Những yếu tố chi phối tăng trưởng
Theo ACBS và Mirae Asset, lạm phát, tín dụng và thu nhập khả dụng tiếp tục là những yếu tố chính ảnh hưởng đến sức mua. Chỉ số CPI bình quân 10 tháng năm 2024 tăng 3,78% YoY, thấp hơn mục tiêu 4,5% của Chính phủ, trong đó CPI tháng 10/2024 tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước, duy trì ở mức thấp hơn các năm trước đó.
Lãi suất huy động ở mức thấp, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài đến cuối năm, tạo điều kiện hỗ trợ tích cực cho tiêu dùng nội địa.
Diễn biến lạm phát trung bình và theo tháng tại Việt Nam giai đoạn 2022-2024. Nguồn: Tổng cục Thống kê (TCTK), ACBS tổng hợp. |
Dù vậy, các báo cáo từ CSI và SSI Research đều nhấn mạnh, thu nhập khả dụng của người dân Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi những bất ổn từ nền kinh tế toàn cầu. Niềm tin tiêu dùng suy giảm đã khiến nhiều người tiêu dùng hạn chế chi tiêu vào các mặt hàng không thiết yếu. Tuy nhiên, kỳ vọng cho sự tăng trưởng mạnh hơn trong hai tháng cuối năm vẫn rất tích cực, nhờ vào mùa tiêu dùng cao điểm dịp Tết Nguyên Đán và các chương trình kích cầu.
Triển vọng ngắn hạn và dài hạn
Báo cáo của Mirae Asset nhận định, tổng mức bán lẻ cả năm 2024 có thể đạt mức tăng khoảng 8%, nhờ sự phục hồi từ ngành du lịch và các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, dự báo từ ACBS cũng chỉ ra rằng, tăng trưởng GDP năm 2024 ước đạt 7%, một phần lớn nhờ vào vai trò quan trọng của tiêu dùng nội địa và bán lẻ trong cơ cấu kinh tế.
Trong dài hạn, báo cáo của SSI Research nhấn mạnh tiềm năng lớn từ sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, cần tập trung cải thiện hạ tầng logistics, tăng cường đầu tư vào công nghệ và thúc đẩy thương mại điện tử để đảm bảo tăng trưởng bền vững. Báo cáo của CSI cũng lưu ý, việc đa dạng hóa nguồn cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế là những yếu tố then chốt để ngành bán lẻ Việt Nam đối phó với các biến động toàn cầu.
Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ thị trường, bao gồm các gói kích cầu tiêu dùng và cải cách môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, báo cáo từ ACBS và SSI đều nhấn mạnh các thách thức vẫn còn hiện hữu. Áp lực từ giá hàng hóa nhập khẩu, sự biến động tỷ giá và các yếu tố địa chính trị có thể làm gia tăng chi phí, ảnh hưởng đến giá cả tiêu dùng.
Ngành bán lẻ và tiêu dùng Việt Nam năm 2024 dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng vẫn duy trì được sự ổn định, đóng góp lớn vào bức tranh tăng trưởng kinh tế tổng thể. Với sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, nỗ lực cải tiến từ doanh nghiệp và tiềm năng lớn của thị trường, ngành này hứa hẹn sẽ đạt được những bước tiến xa hơn, không chỉ trong năm 2024 mà còn ở cả tương lai dài hạn.
>> Hai động lực quan trọng giúp GDP Việt Nam tăng trưởng vượt mục tiêu năm 2024
Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng 8,5%
Mô hình dữ liệu thời tiết giúp ngành bán lẻ đạt doanh số kỳ vọng