Cấm xe xăng: Nhìn từ kinh nghiệm của Trung Quốc, Indonesia
Phát thải CO2, đi xe điện giảm tới 70% so với đi xe máy chạy xăng, những chất khác cũng giảm rất nhiều.
Chiều 15/7, Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô".
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, trên thế giới có rất nhiều những bài học, bài học thành công cũng có, bài học thất bại cũng có để giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có vấn đề ô nhiễm không khí.
Ông Tùng lấy ví dụ gần đây nhất và cũng gần Việt Nam nhất là thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc). Cách đây hơn 10 năm, đây là thành phố rất ô nhiễm, luôn luôn đứng đầu trên thế giới. Nhưng qua nỗ lực rất lớn của chính quyền cũng như nhân dân, doanh nghiệp, đến bây giờ chất lượng không khí của Bắc Kinh đã được cải thiện lên rất nhiều. Những vấn đề ô nhiễm từ các nguồn giao thông, người ta đã giải quyết rất triệt để.
Ông Tùng cho biết, đương nhiên có các nguyên nhân ô nhiễm không khí, cũng giống như Hà Nội, từ các cơ sở sản xuất, từ giao thông, từ các hoạt động dân sinh.
Tuy nhiên, ông Tùng nhấn mạnh về vấn đề giao thông. Ông Tùng cho biết, họ cũng có những bước chuyển đổi rất lớn, ví dụ như họ quyết tâm chỉ trong 1, 2 năm, họ chuyển toàn bộ xe buýt sang xe điện, rất nhanh, rất quyết liệt, cũng giống như Chỉ thị 20 của chúng ta.
Họ đầu tư một khoản rất lớn, ví dụ như chuyển đổi các xe, người ta cũng làm từ vùng lõi trước rồi mở rộng ra, và có rất nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi. Hiện nay rất nhiều thành phố của Trung Quốc đã chuyển đổi sang xe điện, không chỉ Bắc Kinh.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: VGP |
Ông Tùng tiếp tục lấy ví dụ về Bangkok (Thái Lan) và Indonesia. Cụ thể, tại Indonesia, họ cũng có những bài học thất bại. Từ đầu họ chuyển đổi chỉ bằng cách hỗ trợ, thế nhưng về sau người ta nghiên cứu thấy hỗ trợ không thì chưa đủ, và người ta vừa cấm hoạt động một số loại xe máy chạy xăng, vừa hỗ trợ, vừa sử dụng các phương tiện giao thông công cộng… Người ta thấy rằng đấy là kịch bản hiệu quả nhất.
Theo ông Tùng, với tất cả các đô thị trên thế giới, không chỉ riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân ô nhiễm từ các phương tiện giao thông chạy nguyên liệu hóa thạch là chắc chắn, đã có những nghiên cứu khoa học, có những số liệu. Phát thải CO2, đi xe điện giảm tới 70% so với đi xe máy chạy xăng, những chất khác cũng giảm rất nhiều.
Ông Tùng cho biết, không nên băn khoăn là xe máy có phải là nguyên nhân gây ô nhiễm chính hay không. Bây giờ đòi hỏi có những giải pháp cực kỳ quyết liệt như Chỉ thị 20.
Ông Tùng thể hiện sự vui mừng vì vừa rồi Hà Nội đã nhanh chóng có những hành động triển khai như vậy, đã thành lập ngay Ban Tư vấn, chỉ đạo. “Những biện pháp như thế tôi nghĩ rất kịp thời”, ông Tùng nói.
Ngày 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành chỉ thị 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội nghiên cứu cấm xe máy vào khu vực vành đai 1 từ ngày 1/7/2026, đồng thời xây dựng Đề án vùng phát thải thấp trong quý III/2025.
Trước đó, ngày 12/12/2024, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết về thực hiện vùng phát thải thấp, có hiệu lực từ 1/1/2025. Theo đó, Hà Nội sẽ cấm hoặc hạn chế xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 chạy vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực.
Cấm xe xăng: Hà Nội sẽ có chương trình hỗ trợ người dân đổi sang xe điện
Nối gót Hà Nội, TP. HCM gấp rút triển khai lộ trình loại xe xăng, phủ xe điện