Cao tốc 88km gồm 3 hầm xuyên núi, 81 hầm chui dân sinh, 77 cầu và 586 cống: Thi công thần tốc nhờ sử dụng công nghệ đặc biệt
Công nghệ này không chỉ giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phí thi công, mà còn đảm bảo chất lượng và đồng bộ hóa giữa các hạng mục.
Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là một trong những dự án thành phần quan trọng nhất của tuyến đường này. Tuyến cao tốc này có chiều dài 88km, đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi (60,3km) và tỉnh Bình Định (27,7km), với giai đoạn 1 được phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe, cho phép tốc độ lưu thông 80km/h. Tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng, lớn nhất trong số 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, đây là đoạn tuyến có số lượng hầm xuyên núi nhiều nhất dự án cao tốc Bắc - Nam, gồm 3 hầm xuyên núi, 77 cầu, 586 cống và 81 hầm chui dân sinh.
>> Đề xuất làm tuyến đường ven biển hơn 5.000 tỷ đồng tại khu kinh tế lớn thứ hai Việt Nam
Trong đó, hầm số 3, với chiều dài 3.200m, là hầm xuyên núi dài nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, kết nối hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Việc thi công hầm này gặp nhiều thách thức do địa chất phức tạp, đòi hỏi sự thận trọng cao từ đơn vị thi công để đảm bảo an toàn và chất lượng công trình.
Tuyến đường 88km lớn nhất cao tốc Bắc - Nam chiếm ưu thế thi công nhờ sử dụng công nghệ 3D - Nguồn: Internet |
Một trong những điểm nổi bật của dự án là việc ứng dụng công nghệ thi công hầm NATM - hệ Đèo Cả, được cải tiến bởi các kỹ sư của Tập đoàn Đèo Cả. Công nghệ này giúp đẩy nhanh quá trình thi công tại hầm số 1 và số 2, giúp tiết kiệm thời gian từ 3-5 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Đối với hầm số 3, đơn vị thi công đã huy động 15 máy khoan hạng nặng khoan hầm và hơn 100 đầu máy thiết bị cơ giới, cùng hơn 100 kỹ sư và công nhân làm việc 24/24h, với mục tiêu thông hầm sớm hơn kế hoạch.
Đến nay, ống hầm trái đã đào được 1.100m, ống hầm phải đã đào được 1.148m. Tập đoàn Đèo Cả (đứng đầu liên danh các nhà thầu thi công công trình) đã tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tập đoàn hiện đang nỗ lực để hầm số 3 sẽ được đào thông vào tháng 6/2025 và toàn bộ tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn sẽ thông xe vào tháng 12/2025, vượt tiến độ 8 tháng so với hợp đồng ký kết.
Để tăng cường hiệu quả quản lý và thi công, nhà thầu đã áp dụng công nghệ BIM (Mô hình thông tin công trình) trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Công nghệ này không chỉ giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phí thi công, mà còn đảm bảo chất lượng và đồng bộ hóa giữa các hạng mục.
BIM cho phép tích hợp toàn bộ thông tin về thiết kế, kết cấu, cơ điện và kỹ thuật vào một mô hình 3D duy nhất, giúp các nhóm thiết kế và thi công phối hợp hiệu quả, giảm thiểu sai sót và đảm bảo tính chính xác trong từng bước thi công.
Ngoài ra, công nghệ BIM còn hỗ trợ trích xuất khối lượng vật tư, quản lý chi phí và dự báo nguồn lực một cách chính xác, giảm rủi ro và tăng hiệu quả tài chính cho dự án. Ví dụ, tại hầm số 2, từng bước thi công như khoan, lắp đặt thuốc nổ và vận chuyển đất đá đều được mô phỏng chi tiết bằng 3D, giúp đội ngũ thi công theo dõi và điều chỉnh kịp thời.
Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị đứng đầu liên danh các nhà thầu thi công, đã hưởng ứng chiến dịch 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Hiện tại, dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đang được thi công với 44 mũi thi công, hơn 1.790 máy móc thiết bị và hơn 4.000 nhân lực. Theo Ban Quản lý dự án 2, sau 22 tháng triển khai, dự án đã đạt hơn 45% tiến độ. Phần lớn công tác đắp đất nền đường đã hoàn thành, và các hạng mục chính khác cũng đang được tăng tốc, với sản lượng gia tăng mỗi ngày.
>> Huyện sẽ sở hữu tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam sắp có tuyến đường mới