Cầu treo 2 tầng nằm “lơ lửng giữa mây” nối hai đường hầm trên núi, "tải" được 200 ô tô cùng lúc, tiêu tốn 1,4 tỷ NDT: Khả năng xây dựng thật không tưởng!
Đây là cây cầu treo cao nhất và dài nhất nối hai đường hầm trên núi.
Cầu Ải Trại được khởi công xây dựng ngày 28/10/2007, dự án chính hoàn thành vào ngày 20/8/2011, thông xe vào ngày 31/3/2012. Cây cầu này dài 1.146 mét và cao 350 mét, đây là cây cầu treo cao nhất và dài nhất nối hai đường hầm trên núi. Cây cầu là một phần trên con đường cao tốc G65 nối liền hai thành phố Bao Đầu và Mậu Danh nằm gần Cát Thủ, Hồ Nam, Trung Quốc. Trên thế giới có 400 cây cầu treo bắc qua thung lũng nhưng Ải Trại là cây cầu với nhịp chính dài thứ 5.
Các kỹ sư phụ trách công trình này cho biết các sợi cáp chính của cầu Ải Trại có đường kính 85 cm với 169 sợi thép. Toàn bộ dàn cáp dài 1.000 m nặng đến 8.000 tấn. Việc xây dựng cầu Ái Trại đã tiêu tốn 1,4 tỷ nhân dân tệ.
Ngân hàng Phát triển châu Á đã cho vay 208 triệu đô la để giúp đỡ xây dựng cầu; khoản vay dùng để xây 64 km (40 dặm) đường cao tốc và nâng cấp 129 km (80 dặm) đường địa phương. Cây cầu cùng với các công trình đường sá liên quan giảm thời gian đi lại giữa hai thị trấn Cát Thủ và Trà Đống từ 4 giờ xuống còn hơn 1 giờ, giúp giảm thời gian đi lại giữa thủ phủ Trường Sa tỉnh Hồ Nam tới thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh từ vài ngày xuống còn 8 tiếng.
Trưởng nhóm thiết kế Trương Niệm Lai cho biết cầu được quy hoạch với công nghệ và vật liệu hiện đại nhất, có thể chịu được mưa bão, băng giá và chịu lực cực tốt. Theo ông, cầu có thể chịu được sức nặng của hơn 200 ôtô loại nhỏ băng qua cầu trong cùng một thời điểm. Trung Quốc gọi đây là "cây cầu chất lượng trăm năm".
Cây cầu này được chia thành hai tầng, tầng trên là làn đường giao thông và tầng dưới là con đường để ngắm cảnh. Nơi đây có phố cổ Aizhai Miao, thác nước và rừng xanh. Cây cầu bắc qua một hẻm núi sâu, do địa hình nguy hiểm, khí hậu thường xuyên thay đổi và cấu trúc địa chất phức tạp nên một lượng lớn hơi nước thường ngưng tụ thành sương mù và từ từ chảy qua hẻm núi bên dưới cầu.
Nhìn toàn bộ cây cầu từ xa, nó như lơ lửng trên mây và sương mù, cây cầu hiện ra rồi biến mất, hùng vĩ và ngoạn mục, tựa như một “cầu vượt trên mây” . Trong quá trình xây dựng, nhóm thiết kế cũng nhận thấy sự phù hợp tổng thể giữa thân cầu và môi trường xung quanh, đồng thời sử dụng công nghệ mới để tích hợp thành công các trụ cầu và môi trường tự nhiên xung quanh.
"Việc xây dựng cầu Ải Trại rất khó khăn. Nó đã vượt qua 5 vấn đề xây dựng tầm cỡ thế giới như địa hình nguy hiểm, địa chất phức tạp, hẻm núi sương mù, việc nâng hạ vất vả và giao thông khó khăn. Nó được biết đến như một mô hình về sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc cầu và cảnh quan thiên nhiên, đồng thời được ví như đỉnh Everest của ngành cầu đường”. Một hướng dẫn viên đã giới thiệu với khách du lịch khi đi tham quan cầu.
Ngày nay, cây cầu Ải Trại đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch lớn ở phía tây Hồ Nam và là thương hiệu cốt lõi của du lịch địa phương. Sự phát triển của du lịch cũng đã thúc đẩy sự hoà nhập giữa các làng truyền thống trên núi với cuộc sống hiện đại, khiến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng cho các chuyến tham quan học tập và thể thao ngoài trời.