Chạy đua cập nhật sinh trắc học trước ‘giờ G’: Cảnh báo những chiêu trò lừa đảo
Hiện nay, cài đặt sinh trắc học vẫn là vấn đề khó khăn đối với nhiều người dân.
Theo quy định tại Thông tư 17 về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán và Thông tư 18 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, bắt đầu từ ngày 1/1/2025, nếu người dân chưa xác thực sinh trắc học với ngân hàng thì chỉ có thể nạp/rút/chuyển khoản tại quầy của ngân hàng. Thậm chí khách hàng sẽ không thể sử dụng các cây ATM/CDM của hệ thống liên ngân hàng để nạp/rút tiền.
Từ ngày 1/7/2024, nhiều loại giao dịch trực tuyến bắt buộc phải xác thực sinh trắc học mới có thể thực hiện được. Sau thời gian triển khai, việc xác thực sinh trắc học vẫn là vấn đề khó khăn với nhiều người. Lợi dụng tình trạng này, nhiều đối tượng đã giả danh cán bộ ngân hàng hỗ trợ người dân thực hiện sinh trắc học nhằm mục đích lấy cắp thông tin, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ngày 9/11, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an huyện Yên Định đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Đỗ Công Lượng, trú tại xã Yên Tâm, huyện Yên Định về tội trộm cắp tài sản.
Trước đó, do không biết cài sinh trắc học trên ứng dụng Sacombank Pay nên anh T.Đ.H đã nhờ Lượng cài hộ. Tuy nhiên, máy điện thoại của anh H không hỗ trợ cài sinh trắc học nên Lượng đã tải ứng dụng về điện thoại của mình và đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của anh H để cài sinh trắc học. Sau khi cài xong, anh H không thể đăng nhập vào tài khoản ngân hàng trên điện thoại của mình và tài khoản bị khóa.
Sáng 5/11, anh H nhờ Lượng đăng nhập lại và cung cấp mã OTP khi ngân hàng gửi về để kiểm tra tài khoản. Thấy trong tài khoản có 240 triệu đồng, Lượng nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền và chuyển 132 triệu đồng từ tài khoản của anh H sang tài khoản của mình vào ngày 5 và 6/11.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Hay trước đó, ngày 22/10, Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thông tin, trên địa bàn có một người phụ nữ bị chiếm đoạt 500 triệu đồng. Cụ thể, vào ngày 16/10, chị H (huyện Chương Mỹ) nhận được cuộc gọi thông báo tài khoản VneID của con trai chị chưa được kích hoạt mức 2. Sau đó, đối tượng hướng dẫn cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo, yêu cầu chị chụp ảnh căn cước công dân, xác thực khuôn mặt, quét mã QR,...
Sau khi thực hiện các thao tác trên, chị H phát hiện tài khoản ngân hàng của chị bị chuyển mất 500 triệu đồng.
Đây đều là những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân để chiếm đoạt tài sản.
Chia sẻ với VOV, các chuyên gia của BKAV (công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng, chuyển đổi số, phần mềm, chính phủ điện tử,...) cho biết xác thực sinh trắc học đang được áp dụng nhằm đảm bảo an toàn cho các giao dịch, tuy nhiên công nghệ Deepfake vẫn có thể lách qua những biện pháp bảo mật này.
Công nghệ này cho phép kẻ xấu tạo ra những hình ảnh, video và âm thanh giả, mô phỏng hoàn hảo giọng nói và ngoại hình của bất kỳ ai. Sau đó, các đối tượng dùng những thông tin đánh cắp được để đăng nhập vào tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt tài sản của người bị hại.
Chính vì vậy, các chuyên gia từ BKAV cảnh báo người dân cần đặc biệt cảnh giác khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngay cả khi đã sử dụng các biện pháp bảo mật sinh trắc học. Để bảo vệ tài sản của mình, người dùng nên thường xuyên kiểm tra lịch sử giao dịch, tránh chia sẻ thông tin cá nhân và luôn đề cao cảnh giác những những nguy hiểm tiềm ẩn.
>>3 thủ đoạn lừa đảo được sử dụng nhiều trên không gian mạng Việt Nam
Đi làm thẻ căn cước, người dân phải đóng lệ phí bao nhiêu?
Đổi đời nhờ sầu riêng, người dân một huyện mua hơn 2.000 ô tô chỉ trong 10 tháng