Chịu 'cú đấm kép' từ Nghị định 168 và thuế tiêu thụ đặc biệt: Bia Hà Nội tìm lối thoát sang Mỹ, Nhật, bán thêm cả rượu whisky
Habeco ghi nhận doanh thu 8.220 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 403 tỷ đồng trong năm 2024, đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận của hãng đã giảm mạnh so với giai đoạn đỉnh cao năm 2010 - 2015. Trước áp lực thị trường nội địa, Habeco đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt nhắm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước Giải khát Hà Nội (Habeco - HoSE: BHN) công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với doanh thu 8.220 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 403 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 14% so với thực hiện năm 2023.
Dù tăng trưởng tương đối khả quan, nhưng nhìn tổng thể, kết quả kinh doanh của Habeco sụt giảm nghiêm trọng trong nhiều năm trở lại đây. So với thời kỳ đỉnh cao giai đoạn 2010 - 2015, khi lợi nhuận đạt 800 - 1.000 tỷ đồng mỗi năm, hiện tại lợi nhuận chỉ bằng gần một nửa.
Tại thời điểm ngày 31/12/2024, quy mô tài sản của Habeco là 7.261 tỷ đồng, trong đó tiền mặt lên đến 4.334 tỷ đồng. Tài sản cố định hữu hình có nguyên giá 9.497 tỷ đồng đã khấu hao gần hết, giá trị ghi sổ còn lại 1.128 tỷ đồng. Tài sản chủ yếu hình thành từ vốn chủ sở hữu lên đến 5.278 tỷ đồng, phần còn lại là nợ phải trả.
![]() |
Lợi nhuận Habeco suy giảm mạnh trong những năm gần đây |
Habeco là công ty bia có lịch sử lâu đời với 135 năm hình thành và phát triển. Công ty có tiền thân là Nhà máy bia Hommel, được người Pháp xây dựng từ năm 1890. Khi quân đội Pháp rút đi, nhà máy bị phá hủy nhưng đã được xây dựng lại và hoạt động trở lại vào năm 1958. Ít lâu sau đó, hãng cho ra chai bia Việt Nam đầu tiên mang nhãn hiệu Trúc Bạch.
Đến năm 2024, Habeco bán ra hơn 500 triệu lít đồ uống, bao gồm bia Hà Nội, bia Trúc Bạch và một lượng nhỏ rượu vang. Hiện tại, Habeco cùng với Heineken, Sabeco, Carlsberg là 4 công ty thống trị thị trường bia, rượu Việt Nam.
Những năm gần đây, thị trường bia, rượu của Việt Nam chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19 và chính sách quản lý của Nhà nước thông qua Nghị định 100 và giờ là Nghị định 168 về xử phạt nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Đây cũng là giai đoạn Habeco có dấu hiệu hụt hơi.
Trước khó khăn này, Habeco đang cân nhắc mở rộng sang lĩnh vực rượu whisky. Doanh nghiệp đang thăm các nhà máy chưng cất lớn tại Nhật Bản để tìm kiếm đối tác.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tìm lối thoát ở thị trường nước ngoài
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản năm 2024 do Bộ Công Thương phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN – Nhật Bản tổ chức, ông Trần Đình Thanh - Chủ tịch HĐQT Habeco đã chia sẻ về định hướng đẩy mạnh tiêu thụ bia đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Thanh cho biết, Nhật Bản là thị trường có tiêu chuẩn vô cùng khắt khe và cũng là một trong những thị trường trọng điểm của Habeco. Từ năm 2012, Habeco đã hợp tác với các công ty phân phối lớn tại Nhật Bản để đưa các sản phẩm như bia Hà Nội Premium, Trúc Bạch và rượu Nếp Mới, Thanh Mai đến tay người tiêu dùng Nhật Bản.
“Nhật Bản là một thị trường giàu tiềm năng, không chỉ bởi cộng đồng người Việt đông đảo mà còn bởi nhu cầu tiêu thụ bia chất lượng cao. Habeco mong muốn hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp đồ uống hàng đầu của Nhật Bản để chia sẻ công nghệ và mở rộng thị phần” - ông Thanh nhấn mạnh.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản ngày càng lớn mạnh với gần 500.000 người, trong đó có hơn 350.000 người trong độ tuổi lao động. Đây là cơ hội lớn để Habeco tiếp cận và mở rộng thị trường.
Habeco đã xuất khẩu hơn 7,6 triệu lít bia và 660.000 lít rượu sang các thị trường quốc tế, trong đó có Anh, Nga, Pháp, Úc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt, năm 2023 đánh dấu bước tiến mới khi sản phẩm bia Hà Nội chính thức xuất khẩu sang Mỹ, một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Được biết, Mỹ là quốc gia có số người Việt Nam định cư nhiều nhất ở nước ngoài.