Chuyên gia: BOJ muốn tăng lãi suất, đồng yên sẽ trở thành ‘ngòi nổ’ cho cuộc khủng hoảng tiếp theo
Các nhà phân tích chỉ ra Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có vẻ như đã sẵn sàng tiếp tục tăng lãi suất.
Tháng trước, thị trường chứng khoán toàn cầu đã rơi vào hỗn loạn sau khi các giao dịch ăn theo chênh lệch lãi suất đồng yên (carry-trade) gây ra đợt bán tháo tồi tệ nhất trong hai năm. Theo Socíeté Générale, sự hỗn loạn này có thể vẫn chưa kết thúc.
Ngân hàng đến từ châu Âu chỉ ra khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, một diễn biến từng làm rung chuyển thị trường vào đầu tháng 8.
Các nhà đầu tư đã vô cùng hoảng loạn sau khi BoJ bất ngờ tăng lãi suất vào cuối tháng 7. Động thái này kích hoạt việc đảo ngược các giao dịch carry-trade đồng yên, một chiến lược phổ biến mà trong đó các nhà đầu tư vay tiền với lãi suất cực thấp ở Nhật Bản để đầu tư vào các tài sản khác như cổ phiếu Mỹ.
Tác động của đợt bán tháo đó đã lắng xuống, với các chỉ số chính của Mỹ đã phục hồi. Tuy nhiên, theo chiến lược gia Albert Edwards của SocGen, nhiều biến động hơn có thể xảy ra trong tương lai khi lãi suất ở Nhật Bản đang có xu hướng "bình thường hóa" sau nhiều thập kỷ giảm phát.
Nền kinh tế Nhật Bản cũng đang phát ra những tín hiệu hứa hẹn rằng một đợt tăng lãi suất khác sắp diễn ra. Tăng trưởng tiền lương ở Nhật Bản vừa vượt qua mức tăng trưởng tiền lương ở Mỹ lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ, Edwards lưu ý.
"Chúng tôi luôn khuyến khích nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ Nhật Bản vì nước này luôn đi đầu trong các động thái lớn của thị trường", Edwards cho biết trong một lưu ý gửi đến khách hàng hôm 3/9. "Bất kỳ sự bình thường hóa nào của lãi suất Nhật Bản cũng sẽ có tác động lớn đến thị trường - không chỉ trong ngắn hạn (bằng cách đảo ngược giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên) mà còn trong dài hạn vì lãi suất cao hơn ở Nhật Bản sẽ hạn chế dòng vốn đầu tư”.
Một số nhà đầu tư đã nắm bắt được khả năng đó, với một lượng lớn trong số họ đã đóng các vị thế bán khống đồng yên trong vài tháng qua. Hầu hết các nhà đầu tư không còn bán khống đồng tiền của Nhật Bản nữa.
Trong khi đó, triển vọng kinh tế Mỹ có vẻ không ổn định, Edwards cho biết, điều này có thể gây tổn hại đến cổ phiếu Mỹ. Ông chỉ ra sự yếu kém trên thị trường lao động Mỹ trong năm qua và sự bi quan về lợi nhuận trong lĩnh vực công nghệ, vốn chiếm phần lớn lợi nhuận của S&P 500 trong những năm gần đây.
"Liệu giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên có tiếp tục hay không? Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ mặt khác của giao dịch này, nơi làn sóng giảm giá cổ phiếu công nghệ cũng có thể làm đảo ngược giao dịch", Edwards nói thêm.
Trong nhiều tháng qua, Edwards đã dự báo về một cuộc suy thoái và sự sụp đổ của thị trường chứng khoán ở Mỹ, mặc dù nhiều nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế vẫn đang duy trì nền tảng vững chắc. GDP đã vượt qua kỳ vọng trong quý II/2024, trong khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Tuyển dụng vẫn tích cực, với tỷ lệ thất nghiệp tăng nhưng vẫn duy trì ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào tháng 7
Theo Market Insider
>> Trồi sụt như 'tàu lượn siêu tốc', đồng yên có còn là tài sản trú ẩn an toàn?
Trồi sụt như 'tàu lượn siêu tốc', đồng yên có còn là tài sản trú ẩn an toàn?
Carry trade và hơn 3 thập kỷ biến động như 'tàu lượn siêu tốc' của đồng yên Nhật Bản