Thế giới

Trồi sụt như 'tàu lượn siêu tốc', đồng yên có còn là tài sản trú ẩn an toàn?

Diệp Thảo 27/08/2024 09:40

Trong suốt phần lớn năm 2024, đồng yên đã chứng kiến sự biến động mạnh khi suy yếu vào tháng 6 xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 1986, thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phải can thiệp.

Đồng yên Nhật từ trước đến nay được coi là tài sản trú ẩn an toàn, bảo vệ nhà đầu tư khỏi tác động của biến động kinh tế và thị trường. Tuy nhiên, sau những biến động mạnh của đồng tiền này trong năm nay, nhiều người đang hoài nghi về vai trò này.

Trong suốt phần lớn năm 2024, đồng yên đã chứng kiến sự biến động mạnh. Có lúc yên đã suy yếu xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 1986, thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phải can thiệp vào tháng 7 để hỗ trợ đồng tiền này. Trước đó, BOJ đã can thiệp để hỗ trợ đồng yên vào tháng 5 khi nó mất giá xuống mức 160 yên đổi 1 USD.

Sau quyết định tăng lãi suất của BOJ vào tháng 7, thị trường chứng khoán và nội tệ Nhật Bản đã chứng kiến những biến động lớn. Chỉ số Nikkei 225 ghi nhận giảm trong một ngày lớn nhất kể từ năm 1987 vào hôm 5/8 khi đồng yên quay đầu tăng mạnh, lên 142 yên đổi 1 USD.

Tuy nhiên, bỏ qua sự biến động của đồng yên Nhật, các nhà phân tích cho biết vị thế của đồng tiền này vẫn không thay đổi, chủ yếu vì các biến động này "có thể dự báo".

Ryota Abe, nhà kinh tế tại Sumitomo Mitsui Banking Corporation, cho biết: “Chúng tôi tin rằng đồng yên vẫn là ‘tài sản trú ẩn an toàn’ vì Nhật Bản hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất thế giới. Quốc gia cũng duy trì được thặng dư tài khoản vãng lai và có lạm phát ổn định”. Thâm hụt vãng lai thường làm suy yếu tiền tệ, trong khi thặng dư làm tăng giá trị của chúng.

Hugh Chung, Giám đốc tư vấn đầu tư tại nền tảng quản lý tài sản và quỹ Endowus, cho biết đồng tiền này sẽ mạnh lên khi lợi suất trái phiếu và cổ phiếu của Mỹ cùng giảm, chẳng hạn như trong cuộc khủng hoảng năm 2008 và cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra năm 2020.

Mặt khác, đồng yên có xu hướng suy yếu hơn so với đồng USD trong thời kỳ nhà đầu tư có tâm lý tránh rủi ro, khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trong khi cổ phiếu giảm, ông Chung nói thêm, đồng thời trích dẫn diễn biến vào năm 2022 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để chống lạm phát.

Ông Chung cho rằng sự biến động mạnh của đồng yên trong năm nay là do sự chênh lệch lớn giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và Nhật Bản. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm chỉ ở mức hơn 1%, trong khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt gần 4%.

Ngay trước khi BOJ hủy bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất vào ngày 18/3, chênh lệch thậm chí còn lớn hơn, với JGB kỳ hạn 10 năm ở mức 0,796% và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 4,304% tính đến ngày 16/3, ngày giao dịch cuối cùng trước thông báo của BOJ.

Trồi sụt như 'tàu lượn siêu tốc', đồng yên có còn là tài sản trú ẩn an toàn? - ảnh 1
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Ảnh: Internet

Sự chênh lệch lãi suất này đã dẫn đến cái gọi là “giao dịch chênh lệch lãi suất". Đây là giao dịch đi vay bằng tiền tệ có lãi suất thấp, sau đó bán ra để mua đồng tiền có lãi cao hơn. Số tiền chênh này sau đó có thể được gửi tiết kiệm hoặc đầu tư.

Khi BOJ tăng lãi suất, điều này đã thúc đẩy đồng yên mạnh lên, tăng hơn 12% trong khoảng thời gian ba tuần so với đồng USD từ mức 161,99 vào ngày 3/7 lên 141,66 vào ngày 5/8, khi các nhà đầu tư vội vã đóng lại các giao dịch chênh lệch lãi suất.

Ông Chung cho hay đồng yên vẫn chưa mất đi đặc tính nhạy cảm với lãi suất Mỹ, đồng thời nói thêm rằng đồng yên sẽ vẫn là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ lo ngại về tăng trưởng.

Trồi sụt như 'tàu lượn siêu tốc', đồng yên có còn là tài sản trú ẩn an toàn? - ảnh 2

Ông Abe của SMBC cho biết sự biến động mạnh của đồng yên là là do các thay đổi từ bên ngoài, hơn là các yếu tố trong nước.

Theo ông, yếu tố góp phần mạnh mẽ nhất vào sự biến động cao của đồng yên trong tháng 8 là “sự lo lắng quá mức” về khả năng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, sau khi nước này công bố số liệu thất nghiệp cao hơn dự báo và tăng trưởng việc làm thấp hơn dự kiến.

“Tất nhiên, tôi không hoàn toàn loại trừ tác động của việc tăng lãi suất bất ngờ của BOJ vào tháng 7, nhưng chỉ là 15 điểm cơ bản, và phản ứng ban đầu đối với quyết định của BOJ khá trái chiều”, ông nói thêm.

Ông Abe cho biết nếu quyết định của BOJ là nguyên nhân gây ra sự biến động, phản ứng của thị trường sẽ mạnh hơn nhiều, đồng thời nói thêm rằng đồng yên “nên được mua lại ngay sau quyết định của BOJ, nhưng thực tế đã không như vậy”.

Quyết định của BOJ được công bố trong phiên giao dịch ngày 31/7, nhưng đồng yên chỉ biến động đáng kể trong phiên giao dịch ngày 2/8 và ngày 5/8.

Trồi sụt như 'tàu lượn siêu tốc', đồng yên có còn là tài sản trú ẩn an toàn? - ảnh 3

Ông Abe dự báo đồng yên sẽ giao dịch quanh mức 145 yên đổi 1 USD trong năm nay và bất kỳ đợt tăng giá nào nữa cũng sẽ phụ thuộc vào tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed, điều mà ông nhấn mạnh là “cực kỳ quan trọng”.

Ông dự kiến đồng tiền này sẽ tăng giá lên khoảng 138 yên đổi 1 USD vào cuối năm 2025 với “một số biến động mạnh", và có thể chạm mức 130.

Sự biến động này có thể xuất phát từ các động thái chính sách tiền tệ của BOJ, nhưng ông Abe không dự báo bất kỳ đợt tăng lãi suất nào từ BOJ “vào lúc này”.

Ông cũng không hoàn toàn loại trừ khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất, lưu ý rằng GDP quý II/2024 cho thấy mức phục hồi mạnh hơn dự kiến trong tiêu dùng tư nhân, điều này có thể củng cố khả năng tăng lãi suất.

Tuy nhiên, ông Chung lại có nhận định khác: “Sự biến động của đồng yên có lẽ đã đạt đỉnh trong năm nay, vì việc hủy bỏ các giao dịch chênh lệch lãi suất đã diễn ra một phần và các hành động của các Ngân hàng Trung ương có thể sẽ không gây bất ngờ cho thị trường nữa”.

Hai chuyên gia đều đồng ý rằng diễn biến của đồng yên có thể sẽ phụ thuộc vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

Theo CNBC, Reuters

>> Carry trade và hơn 3 thập kỷ biến động như 'tàu lượn siêu tốc' của đồng yên Nhật Bản

Hàng loạt chuyên gia bất ngờ lên tiếng điều chỉnh dự báo đồng yên, thị trường cần đặc biệt chú ý những gì?

Giữa ‘sóng gió’ biến động, quan chức NHTW Nhật Bản bất ngờ lên tiếng khiến đồng yên lập tức giảm mạnh

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/troi-sut-nhu-tau-luon-sieu-toc-dong-yen-co-con-la-tai-san-tru-an-an-toan-125915.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Trồi sụt như 'tàu lượn siêu tốc', đồng yên có còn là tài sản trú ẩn an toàn?
POWERED BY ONECMS & INTECH