Vĩ mô

Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ mới của các cơ quan Quốc hội sau hợp nhất, sáp nhập

Luân Dũng 22/02/2025 - 10:27

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Theo đó, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội, do Quốc hội quyết định thành lập, giải thể. Nhiệm kỳ của các cơ quan này hoạt động theo nhiệm kỳ của Quốc hội.

Về cơ cấu tổ chức, ngoài chủ tịch, các phó chủ tịch và chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm, tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban còn có đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các ủy viên kiêm nhiệm. Như vậy, tại các cơ quan này không còn ủy viên thường trực như trước đây.

Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ mới của các cơ quan Quốc hội sau hợp nhất, sáp nhập ảnh 1
Đại biểu Quốc hội phát biểu tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9. Ảnh: Như Ý

Nghị quyết cũng quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan mới sau khi hợp nhất, sáp nhập.

Trong đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính (hợp nhất Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính Ngân sách) được giao nhiệm vụ thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách Nhà nước. Ủy ban này còn thực hiện chức năng giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết cũng như hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành; trình dự án luật, nghị quyết và thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công.

Đối với Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại (tiếp nhận thêm nhiệm vụ về đối ngoại), ngoài chức năng thẩm tra, giám sát, trình dự án luật, nghị quyết…còn thực hiện nhiệm vụ là cơ quan đầu mối trong quan hệ ngoại giao với nghị viện các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực mà Quốc hội Việt Nam là thành viên; giữ quan hệ với các Ủy ban phụ trách công tác đối ngoại của nghị viện các nước.

Trong khi đó, Ủy ban Văn hóa và Xã hội (Hợp nhất Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Xã hội) có nhiệm vụ thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc lĩnh vực văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, giáo dục, thông tin, truyền thông, du lịch, thể thao, lao động, việc làm, y tế… Ủy ban này cũng được giao thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và thực hiện giám sát các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách.

Đối với Ủy ban Công tác đại biểu (nâng cấp từ Ban Công tác đại biểu), chức năng nhiệm vụ được giao là thẩm tra dự án luật, nghị quyết về bầu cử, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; thẩm tra các dự án về cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ... Việc giải tán HĐND cấp tỉnh, số lượng biên chế và chế độ, chính sách với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng nằm trong phạm vi giám sát của ủy ban này.

Về Ủy ban Dân nguyện và Giám sát (nâng cấp Ban Dân nguyện) sẽ thẩm tra dự án luật, pháp lệnh về trưng cầu ý dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước trong lĩnh vực Ủy ban phụ trách…

Quy định tạm đình chỉ công tác, cho thôi giữ chức vụ

Cùng với đó, Nghị quyết vừa được ban hành cũng quy định rõ về tạm đình chỉ công tác, cho thôi giữ chức vụ đối với phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, phó chủ nhiệm ủy ban và ủy viên chuyên trách.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội sẽ quyết định tạm đình chỉ công tác đối với phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, phó chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm ủy ban quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ủy viên chuyên trách theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Cũng theo nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cho thôi giữ chức vụ phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, phó chủ nhiệm ủy ban, ủy viên chuyên trách trong 3 trường hợp:

Được điều động, luân chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc được bố trí, phân công công tác khác;

Thuộc trường hợp không được giữ chức vụ có liên quan sau khi được điều động, luân chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc được bố trí, phân công công tác khác theo quy định của pháp luật hoặc của cấp có thẩm quyền;

Vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác mà không thể tiếp tục làm nhiệm vụ.

Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội:

Ông Hoàng Thanh Tùng giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp.

Ông Phan Văn Mãi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính

Ông Lê Tấn Tới giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại.

Ông Nguyễn Đắc Vinh giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội

Bà Nguyễn Thanh Hải giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu

Ông Dương Thanh Bình giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát.

>> Sáp nhập tỉnh, thành phố: Hướng tới tăng trưởng 2 con số

Sáp nhập tỉnh, thành phố: Hướng tới tăng trưởng 2 con số

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ: Sáp nhập còn 38 tỉnh, thành như trước là phù hợp

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/co-cau-to-chuc-nhiem-vu-moi-cua-cac-co-quan-quoc-hoi-sau-hop-nhat-sap-nhap-post1719173.tpo
Bài liên quan
  • Những tỉnh, thành nào đã từng chia tách, sáp nhập?
    Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Nhìn lại từ năm 1975 đến nay, qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, đã có thời điểm Việt Nam giảm từ 72 xuống còn 38 tỉnh, thành.
  • Hợp nhất các bộ, ngành ở trung ương là tiền đề cho sáp nhập tỉnh, thành
    Qua nhiều lần sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính, từ năm 2008 tới nay, nước ta giữ ổn định 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đại biểu Quốc hội, việc hợp nhất các bộ, ngành, cơ quan trung ương là tiền đề quan trọng để hướng tới sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
  • 7 gương mặt giám đốc mới sau tinh gọn, sáp nhập bộ máy tại TPHCM
    HĐND TPHCM thông qua việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy từ 21 cơ quan chuyên môn xuống còn 16. Trong đó, có 7 gương mặt giám đốc các sở, ngành mới được trao quyết định.
  • Định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh
    Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ mới của các cơ quan Quốc hội sau hợp nhất, sáp nhập
    POWERED BY ONECMS & INTECH