Nhóm thép trong dài hạn vẫn là cơ hội đầu tư hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp tốt.
Kết tuần 7 - 11/2/2022, tâm điểm sự chú ý tuần này dồn về nhóm cổ phiếu thép khi nhóm này hút dòng tiền đầu tư mạnh; HPG (+11,7%), HSG (+22,2%), NKG (+24,8%), TLH (+15,6%), POM (+14,67%), SMC (+17,8%),...
Trả lời câu hỏi "Đây là dấu hiệu bắt đầu một con sóng mới hay chỉ là sự hồi phục tạm thời sau thời gian điều chỉnh sâu?", ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới CTCK TP.HCM (HSC) cho rằng: "Quan điểm trong năm 2022 của tôi là cực kỳ thận trọng với cổ phiếu chu kỳ vì nhiều nền kinh tế sẽ qua đỉnh của quá trình phục hồi hậu COVID-19.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm thép, phân bón, chứng khoán,… trong thời gian qua có những dấu hiệu đã tạo đỉnh trung hạn. Đặc biệt cần chú ý với cổ phiếu chu kỳ liên quan đến hàng hóa vì lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đang tăng rất nhanh, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10Y đã tiệm cận 2%.
Nhóm thép trong dài hạn vẫn là cơ hội đầu tư hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp tốt. Tuy nhiên đợt phục hồi trong tuần qua nhiều khả năng là đà phục hồi trong ngắn hạn mang tính chất tạm thời. Giá thép tăng trong thời gian qua là chất xúc tác thêm cho diễn biến này nhưng để tiến xa hơn trong ngắn hạn, có lẽ như vậy thôi là chưa đủ.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam: "Cổ phiếu thường có 4 chu kỳ cơ bản. Đầu tiên là giảm giá sau trạng thái tích luỹ, sau đó mới là tăng tốc và phân phối. Vì thế, chiếu theo diễn biến thực tại, tôi cho rằng cổ phiếu thép chưa bắt đầu một con sóng tăng kéo dài.
Nhóm cổ phiếu này chỉ mới kết thúc chu kỳ giảm giá và bước sang chu kỳ tích luỹ.
Mặt khác, xét về câu chuyện cơ bản đang ủng hộ nhóm cổ phiếu ngành thép bởi giá thép hiện vẫn neo ở mức cao và nhu cầu thép nội địa tăng cao. Sự hồi phục của thị trường bất động sản và việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng cho nhóm cổ phiếu thép. Tuy nhiên, những yếu tố trên chưa đủ mạnh để xác lập "sóng" như đã từng diễn ra trong năm 2021".
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco đánh giá: "Giá cổ phiếu thép tăng được hỗ trợ tích cực từ thông tin giá thép thế giới sau dịp Tết Nguyên đán. Giá thép ngày 9/2 đã tăng 15% vượt mức 4.800 NDT/tấn từ mức đáy tại tháng 11 năm ngoái.
Ngoài ra, giá cổ phiếu thép đã chiết khấu trên 20% về mức định giá tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung của thị trường. Việc cổ phiếu thép tăng giá cho thấy sự kì vọng trở lại của nhà đầu tư với các doanh nghiệp thép trước tín hiệu phục hồi nhu cầu của thị trường nội địa và tiềm năng đến từ các thị trường xuất khẩu mới trong đó việc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng có giá trị lên tới 100 nghìn tỷ đồng sẽ kéo theo phát triển đầu tư và xây dựng tư nhân giúp nhu cầu thép trong nước tăng trưởng trong các năm tới.
Về giá thép thế giới trong năm 2022, tôi cho rằng sẽ duy trì ở mặt bằng thấp hơn so với 2021 khi cung cầu thế giới dần trở về mức cân bằng. Mặc dù vậy, sản lượng được kỳ vọng sẽ tăng tốt và tạo động lực tăng trưởng lợi nhuận cũng như mặt bằng giá cổ phiếu nhóm này. Do vậy, tôi cho rằng đây có thể là tín hiệu của con sóng mới trong năm 2022 của ngành thép khi nhiều cơ hội tăng giá đang được mở ra.
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc đầu tư CTCK Tiên Phong (TPS) nhấn mạnh: Bản thân giá cổ phiếu thép rất nhạy cảm giá hàng hoá, đặc biệt là giá thép.
Tuần qua, giá thép tăng là động lực hỗ trợ cho nhóm này trong phiên giao dịch tuần qua. Tuy kết quả kinh doanh năm 2021 khá tích cực song tôi cho rằng giá thép vẫn là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu thép bứt phá. Nếu giá thép tiếp tục duy trì, cổ phiếu thép vẫn có thể tiếp tục nối dài sóng tăng giá.
Công trình triển lãm Top 10 thế giới của Vingroup đã tiêu thụ 10.000 tấn thép Hòa Phát
Hòa Phát (HPG) cung cấp 10.000 tấn ống thép cho 'siêu dự án' lớn nhất Đông Nam Á của Vingroup