Bất động sản

Con đường "thăng tiến" của "Vua hầm" Đèo Cả - Doanh nghiệp mạnh tay rót hơn 10.600 tỷ làm Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Sa Huỳnh 14/11/2023 06:00

Được biết đến với danh xưng “Vua hầm”, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả nhiều năm qua đã xác lập được vị trí dẫn đầu giới xây dựng hạ tầng giao thông và vẫn đang tiếp tục “gia cố” đế chế của mình.

Empty

Mới đây, Tập đoàn Đèo Cả đã khiến dư luận được một phen rần rần khi công bố nghị quyết giao nhiệm vụ nâng cao học vị đối với dàn lãnh đạo cấp cao. Vài ngày sau đó, Đèo Cả vẫn chiếm trọn “spotlight” khi trở thành đơn vị duy nhất nộp hồ sơ đầu tư thực hiện dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, với tổng mức đầu tư lên tới 10.620 tỷ đồng.

Với thương vụ này, danh mục đầu tư của Đèo Cả được nối dài, tổng giá trị thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025 theo đó đã vượt mốc 100.000 tỷ đồng, cao gần gấp đôi giai đoạn 2012 - 2020.

Dù vậy, đối với giới quan sát, loạt diễn biến trên là không quá bất ngờ, bởi lẽ thương hiệu Đèo Cả vốn dĩ gắn liền với những thương vụ "chấn động" giới xây dựng.

“Cú hích” Đèo Cả tạo danh xưng “vua hầm”

Trước khi sở hữu danh xưng “vua hầm” và gây dựng “đế chế” như ngày nay, Tập đoàn Đèo Cả chỉ là một xí nghiệp nhỏ mang tên Hải Thạch, chuyên thực hiện các dự án xây dựng, xây lắp điện tại “quê nhà” Phú Yên. Năm 2002, sau 17 năm hoạt động, Xí nghiệp Hải Thạch chuyển đổi thành Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hải Thạch và bắt đầu được biết đến với những mẫu đèn chiếu sáng hiện đại.

7 năm sau, doanh nghiệp tạo ra tiếng vang trên thương trường khi được phê duyệt thực hiện công trình hầm đường bộ qua Đèo Cả với tổng mức đầu tư là 15.603 tỷ đồng

Quyết định làm hầm đường bộ qua Đèo Cả thời điểm đó đã gây “chấn động” về độ “liều lĩnh” và nhận về không ít nghi ngại, bởi lẽ, để “đục thông” Đèo Cả - một trong những con đèo lớn và hiểm trở nhất Việt Nam, không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật phức tạp mà còn cả năng lực tài chính.

Empty
Dự án hầm đường bộ Đèo Cả Hầm được xem là "cú hích" tạo danh xưng "vua hầm" của Tập đoàn

Lấn sân sang địa hạt mới là xây dựng hạ tầng giao thông, Hải Thạch lập tức thực hiện thay đổi quy mô và cơ cấu. Năm 2014, Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch được thành lập với số vốn điều lệ là 1.500 tỷ đồng, với hơn 700 cán bộ công nhân viên. Năm 2015, Tập đoàn Hải Thạch góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn Xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC), xác lập dấu mốc đầu tiên trong việc tái cơ cấu nguồn vốn và dịch chuyển vị trí chiến lược.

Khi đó, doanh nghiệp này lại phải đối mặt với khó khăn tài chính khi các nhà đầu tư như Mai Linh, Á Châu lần lượt ra đi. Rất may, Tổng Giám đốc Hồ Minh Hoàng đã tìm được sự trợ giúp từ phía Vietinbank.

Năm 2017, dự án hầm đường bộ Đèo Cả chính thức thông xe, hoàn thành trước dự kiến tới 4 tháng và tiết kiệm được tới 4.000 tỷ đồng so với chi phí dự kiến ban đầu. Tiếp đà, doanh nghiệp của ông Hồ Minh Hoàng triển khai thêm hầm Cù Mông. Dự án cũng hoàn thành trước 3 tháng, không đội vốn.

Thành công tại Đèo Cả đã tạo “cú hích” lớn cho SBRC. Tháng 5/2018, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, hoàn thành quá trình tái cấu trúc, hiện thực hóa các chiến lược đầu tư kinh doanh trước đó với định vị là nhà đầu tư, tổng thầu thi công các công trình hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam. Danh xưng “vua hầm” Đèo Cả bắt đầu từ đây.

Thuận đà từ thành công này, Tập đoàn Đèo Cả liên tiếp có mặt tại các dự án hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, “giải cứu” thành công dự án chậm tiến độ này (triển khai trong 10 năm nhưng chỉ được 10% công việc).

Hệ sinh thái đồ sộ và danh mục đầu tư “khủng”

Kể từ khi đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đến nay, doanh nghiệp của đại gia Hồ Minh Hoàng không ngừng mở rộng quy mô. Trong lần gần nhất tăng vốn là vào năm 2022, vốn điều lệ của Tập đoàn Đèo Cả được nâng lên mức 4.206,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước là 4.130,1 tỷ đồng (tương đương 98,184%), vốn nước ngoài là 76,4 tỷ đồng (1,816%).

Tính đến ngày 30/6/2023, hệ sinh thái Đèo Cả bao gồm 8 công ty con, 4 công ty liên doanh liên kết và 6 xí nghiệp, văn phòng đại diện khác. Các đơn vị này phần lớn được lập ra để quản lý các dự án thành phần như các dự án BOT, kinh doanh vật liệu xây dựng, thu phí BOT,…

Sở hữu hệ sinh thái khá đồ sộ, Tập đoàn Đèo Cả hiện là cái tên “nhẵn mặt” tại hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm thông qua công ty con, với tư cách độc lập hoặc liên danh. Sau hơn một thập kỷ, “vua hầm” đã xây dựng hơn 22 km hầm đường bộ, 275 km đường cao tốc, quốc lộ, 6 cây cầu lớn và quản lý 15 trạm thu phí, với tổng mức đầu tư 100.000 tỷ đồng, trong đó có thể kể đến chuỗi hầm Đèo Cả – Cổ Mã – Cù Mông – Hải Vân, dự án hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia, dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hoà, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Empty
Danh mục đầu tư của Tập đoàn Đèo Cả (tổng hợp từ website của doanh nghiệp)

Theo danh mục công trình được cập nhật trên website của Đèo Cả, từ đầu năm đến nay, Tập đoàn này đã hoàn thành 3 dự án lớn, đó là hầm Thung Thi (Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45), cầu Cửa Lục 3 (Quảng Ninh) và hầm Trường Vinh (Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu).

Đáng chú ý, mới đây, Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả đã công bố kế hoạch đầu tư giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, doanh nghiệp này đang đề xuất đầu tư gần 400km đường cao tốc là các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương … với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng.

Nắm trong tay danh mục đầu tư “khủng” nhưng tham vọng của Tập đoàn Đèo Cả không dừng lại ở đó. Năm 2020, “vua hầm” đã “manh nha” lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khi tiếp nhận ý tưởng và bản quyền dự án đại lộ ven sông Sài Gòn và Sài Gòn New City từ ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu. Tháng 6/2023, Đèo Cả quyết định liên danh với 4 nhà đầu tư làm Khu đô thị phía Tây Nam TP. Bắc Giang với tổng mức đầu tư lên tới 7.400 tỷ đồng.

Bên cạnh hoạt động thi công xây lắp, Tập đoàn Đèo Cả cũng cho biết sẽ lên kế hoạch tham gia đấu thầu các dự án sân bay, đường sắt tốc độ cao, metro… Được biết, doanh nghiệp đã hợp tác với đối tác có kinh nghiệm của nước ngoài như Sany, PowerChina,… để phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị thiết bị thi công và năng lực để tham gia đấu thầu dự án.

Băn khoăn “cán cân” nợ vay - lợi nhuận

Nắm trong tay các dự án “khủng”, cũng giống như phần lớn các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khác, Tập đoàn Đèo Cả buộc phải mở rộng nguồn lực tài chính để thu xếp dòng vốn. Không quá bất ngờ khi “vua hầm” đang sử dụng đòn bẩy tài chính khá mạnh tay. Tuy nhiên, khoản nợ vay lại khiến lợi nhuận “mỏng đi” kha khá.

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023 của Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận tổng tài sản đạt 43.778 tỷ đồng, tăng 4,8% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chỉ 2,7%, đạt gần 1.200 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản dài hạn chiếm tới hơn 85% tổng tài sản, đạt 37.289 tỷ đồng.

dautu.kinhtechungkhoan.vn-stores-news_dataimages-2023-102023-09-07-_screenshot-2023-10-09-at-07463720231009074658

Đáng chú ý, tổng nợ phải trả lên tới 31.236 tỷ đồng, tăng 4,8% so với thời điểm đầu năm, chiếm tới 71% tổng tài sản. Trong đó, nợ vay chiếm tới 68%, đạt 21.313 đồng, bao gồm 1.589 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và 19.724 tỷ đồng nợ vay tài chính dài hạn. Khoản nợ này kéo theo chi phí lãi vay khá lớn, “ăn mòn” lợi nhuận của Đèo Cả.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, Tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.919 tỷ đồng, giảm 2,6% so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn nên lợi nhuận gộp vẫn tăng nhẹ 1%, đạt 657 tỷ đồng.

Đáng nói, nếu so với quy mô vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Đèo Cả thì khoản lãi trăm tỷ là khá nhỏ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2022 dừng lại ở mức 10,67%, còn nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 6,61%.

Bên trong nhà hát mang biểu tượng chiếc nón Việt đặc trưng, du khách trong và ngoài nước mê mẩn check-in

Tập đoàn Đèo Cả ‘chơi lớn’, dồn gần 20.000 tỷ nợ vay dài hạn vào 3 dự án BOT

Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả tiết lộ lý do khiến ‘Vua đào hầm’ HHV càng 'đào' càng nợ lớn

'Vua đào hầm' Đèo Cả làm gì để có hàng tỷ USD xây 400km cao tốc?

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/con-duong-thang-tien-cua-vua-ham-deo-ca--nha-dau-tu-manh-tay-rot-hon-10600-ty-lam-cao-toc-huu-nghi--chi-lang-d111301.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Con đường "thăng tiến" của "Vua hầm" Đèo Cả - Doanh nghiệp mạnh tay rót hơn 10.600 tỷ làm Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng
POWERED BY ONECMS & INTECH