Doanh nghiệp

Đã nộp khắc phục hậu quả 100 triệu, hai người em gái của Trịnh Văn Quyết đối diện mức án nào?

Hoàng Ngân 26/07/2024 - 16:30

Trước đó, em gái của Trịnh Văn Quyết khai rằng ''chỉ làm công ăn lương''.

Chiều ngày 26/7, tại TAND Hà Nội, Viện Kiểm sát (VKS) đã công bố bản luận tội sau bốn ngày xét xử vụ án cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm.

Ông Quyết, 49 tuổi, bị xác định là "chủ mưu" với "thủ đoạn mới, tinh vi, lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi đặc biệt lớn", nhưng đã khắc phục "không đáng kể". VKS đề nghị mức án 19-20 năm tù cho tội Thao túng thị trường chứng khoán và 5-6 năm tù cho tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với tổng hình phạt đề nghị là 24-26 năm tù.

Hai em gái của ông Quyết cũng bị truy tố với hai tội danh trên: Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC, bị đề nghị mức án 17-19 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, bị đề nghị mức án 10-12 năm tù.

Đến nay, bà Trịnh Thị Minh Huế đã nộp lại 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Bà Huế được VKS đánh giá là "thực hành tích cực nhất", giúp sức anh trai trong cả hai tội danh, trực tiếp nhận chỉ đạo và thực hiện hành vi phạm tội. Bà Nga cũng bị xem là "thực hành tích cực" trong vai trò đồng phạm, giúp sức cho chủ mưu.

Đã nộp khắc phục hậu quả 100 triệu, hai người em gái của Trịnh Văn Quyết đối diện mức án nào?
Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (bên trái) và bị cáo Trịnh Thị Minh Huế

>> Người phụ nữ 'đặc biệt' trong bộ máy FLC của Trịnh Văn Quyết khai: Chỉ làm công ăn lương, được trả 80 triệu đồng/tháng

Trong phiên xét hỏi trước đó, Khi HĐXX hỏi "Bị cáo được hưởng lợi gì từ những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán?", bà Trịnh Thị Thúy Nga đã trả lời: "Bị cáo chỉ làm công ăn lương, mặc dù là anh em ruột nhưng bị cáo không được bàn bạc về công việc, không được hưởng lợi gì. Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, xin hội đồng xét xử xem xét".

Về phương diện dân sự, VKS kiến nghị tiếp tục duy trì các biện pháp kê biên phong tỏa tài sản của các bị cáo để đảm bảo thi hành án. Ông Quyết có trách nhiệm chính trong việc bồi thường thiệt hại, và bảy đồng phạm bị cáo buộc cả hai tội danh như ông sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm.

VKS cũng khuyến khích các bị cáo tiếp tục vận động gia đình nộp thêm tiền khắc phục hậu quả vụ án. Đến nay, ông Quyết đã nộp khoảng 237 tỷ đồng, các bị cáo còn lại nộp tổng cộng 6 tỷ đồng.

Trong phần khai báo cuối cùng, ông Quyết nhiều lần nhắc lại câu "cáo trạng đã truy tố đúng, bị cáo chấp nhận", sau đó từ chối trả lời hầu hết các câu hỏi của luật sư, trừ luật sư bào chữa cho mình. Cựu Chủ tịch FLC khẳng định không có ý định lừa đảo.

Về phương án khắc phục hậu quả, ông Quyết cho biết từ trại giam vẫn "luôn đau đáu" tìm cách nộp đủ 4.300 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Ông được cơ quan tố tụng ghi nhận đã nộp gần 240 tỷ đồng, tương đương 5,5% thiệt hại vụ án.

Ông Quyết ước tính tài sản cá nhân lên tới gần 5.000 tỷ đồng, chủ yếu từ việc bán hãng Bamboo Airways và 30% cổ phần tại Tập đoàn FLC, nhưng hiện chưa được bán.

Gần 100.000 nhà đầu tư, bao gồm cả bị hại và người liên quan, được tòa triệu tập nhưng chỉ có 5 người có mặt, phát biểu quan điểm. Họ chia thành hai luồng ý kiến: một số xin giảm án cho ông Quyết để ông sớm gây dựng lại Faros và người mua cổ phiếu có thể tiếp tục đầu tư, đồng hành; số khác muốn được bồi thường ngay lập tức.

Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

>>Em gái Trịnh Văn Quyết: 'Chỉ làm công ăn lương, mặc dù là anh em ruột nhưng không được bàn bạc về công việc, không được hưởng lợi gì'

Ông Trịnh Văn Quyết bị đề nghị mức án 24-26 năm tù

Xét xử vụ Trịnh Văn Quyết: Nhiều nhà đầu tư chung câu hỏi 'đâu là người bị hại, đâu là người liên quan?'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/da-nop-khac-phuc-hau-qua-100-trieu-hai-nguoi-em-gai-cua-trinh-van-quyet-doi-dien-muc-an-nao-243299.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đã nộp khắc phục hậu quả 100 triệu, hai người em gái của Trịnh Văn Quyết đối diện mức án nào?
POWERED BY ONECMS & INTECH