Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 7 và huyện Nhà Bè, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP. HCM đã có những chỉ đạo liên quan đến vấn đề sốt đất sau thông tin một số huyện của thành phố được quy hoạch lên quận.
Theo đó, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Đề án chuyển 5 huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ lên quận hoặc thành phố đang được Sở Nội vụ soạn thảo, dự kiến trình HĐND TP. HCM vào kỳ họp giữa năm nay. Dựa vào 30 tiêu chí như dân số, diện tích, kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị..., Sở Nội vụ đánh giá Bình Chánh đạt nhiều tiêu chí nhất (26), tiếp đến là Nhà Bè, Củ Chi (23), Hóc Môn (22) và Cần Giờ (19).
Việc xây dựng đề án là định hướng phát triển tương lai của thành phố, không phải năm nay ban hành, năm sau huyện lên quận và thành phố ngay. Việc thực hiện cần có kế hoạch, lộ trình và phải cập nhật vào quy hoạch, có giải pháp cụ thể.
Ông Mãi yêu cầu các địa phương tuyên truyền, quản lý đất đai, không để huyện chưa lên quận đã sốt đất, gây khó cho triển khai dự án sau này.
Với huyện Nhà Bè và quận 7, chủ tịch thành phố đề nghị quan tâm tuyên truyền thông tin về quản lý đất đai và gợi ý học tập kinh nghiệm của Củ Chi ban hành chỉ thị về kế hoạch liên quan lĩnh vực này. Bên cạnh đó, địa phương cần công khai phương án sử dụng đất năm 2022 mà UBND TP. HCM đã phê duyệt để người dân biết, thực hiện đúng và giám sát.
Trước đó, khi thông tin đưa Củ Chi lên thành phố, Hóc Môn lên quận cùng với việc TP. HCM đã mời gọi đầu tư 55 dự án vào hai địa phương này… được rỉ tai nhau khiến giá đất từ đất ruộng, đất trồng cây lâu năm đến đất vườn…tăng đột biến.
Đơn cử, cách đây khoảng 1 năm, đất nông nghiệp tại huyện Củ Chi rơi vào khoảng 1,5 – 1,6 tỷ đồng/sao. Thế nhưng đến tháng 1/2022, mức giá đã được đội lên thêm hơn 1 tỷ đồng và nay là tăng gấp đôi.
Theo thống kê trên các trang rao bán nhà đất Củ Chi, giá nhà mặt phố trung bình tại Củ Chi đã tăng 34% kể từ đầu năm đến nay, trong khi đó, giá đất trung bình tăng tới 42%.
Thậm chí, giá nhà đất ở Củ Chi thuộc khu vực giáp ranh với quận 12, huyện Hóc Môn, Bình Dương và gần các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), trung tâm hành chính huyện, hoặc dọc bờ sông Sài Gòn… tăng nhanh với biên độ lớn.
Nếu tính từ đầu năm tới nay, có nơi tăng gần 70% nhất là sau khi thông tin huyện Củ Chi được đề xuất lên thành phố trực thuộc TP. HCM.
Còn tại Hóc Môn, khảo sát khu vực xã Đông Thạnh, đất nông nghiệp đang trồng rau cũng được rao bán tới 2,4 tỷ đồng/sào. Các miếng đất lớn từ 2.000 – 3.000m2 đều tăng giá từ 500 triệu – 1 tỷ đồng so với trước Tết.
Thống kê trên các trang rao bán nhà đất, từ đầu năm đến nay giá nhà đất trung bình tại thị trấn Hóc Môn có nơi tăng tới 44,6%.
Trước thực trạng sốt đất đang diễn ra tại Củ Chi, Hóc Môn nhiều nhà đầu tư đánh giá cũng tương tự như cơn sốt đất cách đây 5 năm khi thông tin các “siêu dự án” đô thị, đường ven sông được đề xuất đầu tư tại đây.
Trong khi đó, chuyên gia bất động sản cho rằng, các dự án ở huyện Hóc Môn, Củ Chi chỉ là mới kêu gọi, chưa có nhà đầu tư nào chính thức tham gia vào, cũng chưa có quy hoạch cụ thể nên chưa ai biết được khu vực nào sẽ là “tâm chấn” có thể tăng giá và gia tăng mãi lực. Vì vậy, theo chuyên gia, người mua đất lúc này có thể sẽ gặp rủi ro, nhất là những người đầu cơ, lướt sóng hay dùng tiền vay, mua xong mà không bán được hoặc bị vướng quy hoạch sẽ rất khó khăn.