Doanh nghiệp

Đề xuất cho doanh nghiệp nhà nước trả lương như tư nhân

Luân Dũng 15/04/2025 15:43

Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) kiến nghị cho phép doanh nghiệp nhà nước có chế độ trả lương như doanh nghiệp tư nhân, từ đó sẽ dựa vào doanh thu, lợi nhuận để đầu tư cho chuyển đổi số.

Tổng tài sản doanh nghiệp nhà nước hơn 5,6 triệu tỷ

Sáng 15/4, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng, Bộ Tài chính cho biết, năm 2024, cả nước có 671 doanh nghiệp nhà nước, gồm 473 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Cũng trong năm 2024, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 227 ngàn tỷ đồng.

Đề xuất cho doanh nghiệp nhà nước trả lương như tư nhân ảnh 1
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng MB Lưu Trung Thái phát biểu. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá, thời gian qua, khu vực doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được khẳng định và phát huy, trở thành công cụ hữu hiệu để Nhà nước điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực, dẫn dắt, phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.

Đến hết năm 2024, các doanh nghiệp nhà nước đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư để nâng cao năng lực, quy mô sản xuất kinh doanh. Các dự án cơ bản đều đã được doanh nghiệp nhà nước khẩn trương thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt.

Tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) kiến nghị Chính phủ xem xét cơ cấu lại chính sách thuế đối với tài nguyên, đặc biệt đối với tài nguyên khí, để có thể thúc đẩy các dự án lớn đưa vào khai thác; đồng thời cho phép tập đoàn được chỉ định cho các đơn vị trong tập đoàn thực hiện các công việc của tập đoàn.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc VNPT ông Huỳnh Quang Liêm bày tỏ, với vai trò là doanh nghiệp tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, VNPT mong muốn được cùng với Chính phủ đưa các giải pháp chuyển đổi số vào thực tế. “Đây là đòn bẩy để chúng ta gia tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả vận hành và mở rộng dư địa tăng trưởng cho từng doanh nghiệp, từng ngành nghề”, ông nói.

Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) Lưu Trung Thái kiến nghị, nên ưu tiên các cơ hội về chuyển đổi số, các dự án lớn về công nghệ, dự án về nền tảng mới cho doanh nghiệp nhà nước, từ đó phát huy tính dẫn dắt của các đơn vị này.

Ông cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp nhà nước có chế độ trả lương như doanh nghiệp tư nhân, từ đó các doanh nghiệp nhà nước sẽ dựa vào doanh thu, lợi nhuận để đầu tư cho chuyển đổi số.

Đề xuất cho doanh nghiệp nhà nước trả lương như tư nhân ảnh 2
Thủ tướng tin tưởng các doanh nghiệp nhà nước sẽ làm tốt việc chuyển đổi số quốc gia. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phát triển cho chính mình và cho đất nước

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, mặc dù số lượng các tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động của nước ta nhưng có vai trò, vị trí quan trọng, nắm giữ một lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế.

Do đó, các doanh nghiệp nhà nước phải phát triển, tăng trưởng, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, trên cơ sở thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng năng suất lao động; vừa phát triển cho chính mình, vừa góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, góp phần thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 và năm 2045) đã đề ra.

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu; doanh nghiệp phải tiên phong trong chuyển đổi số vì có nguồn lực, điều kiện, con người, tham gia dẫn dắt trong chuyển đổi số.

Về giải pháp chuyển đổi số, Thủ tướng nhấn mạnh, các doanh nghiệp phải hoàn thiện quy trình, quy định, chuẩn hóa theo chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa tài liệu, hồ sơ để thúc đẩy, phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng số và góp phần phát triển hạ tầng số của cả nước… Thủ tướng lưu ý, tất cả các nhiệm vụ này phải hòa chung vào quá trình chuyển đổi số của cả nước.

Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ, các doanh nghiệp phải chú ý làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Còn về xuất khẩu, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, hiện đang khó khăn, nhưng không đến mức khó khăn như những khó khăn chúng ta đã vượt qua; không phải bây giờ thị trường xuất khẩu mới bị thu hẹp mà đã bị thu hẹp từ lúc đại dịch COVID-19, xung đột, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tập trung khai thác thị trường nội địa và năng động, sáng tạo tìm kiếm các thị trường mới trên thế giới như Trung Đông, Trung Á, Halal, Mỹ Latinh, châu Phi… và củng cố các thị trường truyền thống, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

>>Bộ Nội vụ đề xuất trả lương công chức ‘ngang’ tư nhân để giữ chân nhân tài

Thủ tướng: Doanh nghiệp nhà nước phải xông pha hơn nữa, tiên phong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng

TỔNG THUẬT: Thủ tướng làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/de-xuat-cho-doanh-nghiep-nha-nuoc-tra-luong-nhu-tu-nhan-post1733891.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đề xuất cho doanh nghiệp nhà nước trả lương như tư nhân
    POWERED BY ONECMS & INTECH