Đèo Cả làm việc với tập đoàn Trung Quốc, tìm hướng phát triển hệ thống đường sắt đô thị 100 tỷ USD
Tập đoàn Đèo Cả đã làm việc với các đơn vị đến từ Trung Quốc để tìm hiểu phương án phát triển hạ tầng đường sắt, hướng tới giảm ùn tắc giao thông và tối ưu hóa phát triển đô thị tại Việt Nam.
Ngày 19/2/2025, Tập đoàn Đèo Cả đã có buổi gặp và làm việc với đoàn công tác các đơn vị đến từ Trung Quốc là Tập đoàn Đường sắt Trùng Khánh, Công ty TNHH Đầu máy Đường sắt CRRC Trường Xuân và Công ty TNHH Viện Nghiên cứu và Thiết kế Đường sắt Trùng Khánh, cùng tìm hiểu phương án phát triển hạ tầng đường sắt đô thị, tiềm năng hợp tác triển khai tuyến đường sắt đơn ray (MonoRail), hướng đến giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và tối ưu hóa phát triển đô thị tại Việt Nam. Chương trình được triển khai theo đề xuất từ phía các doanh nghiệp nước bạn.
![]() |
Toàn cảnh buổi họp (Nguồn: Đèo Cả) |
Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam vừa chính thức thông qua Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM. Với nhiều nội dung quan trọng, Nghị quyết được cho là sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, triển khai và vận hành các dự án đường sắt đô thị.
Tại đây, bên cạnh chia sẻ kinh nghiệm về các dự án giao thông mà Đèo Cả đã và đang triển khai, ông Lê Quỳnh Mai, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các đối tác quốc tế uy tín: “Là doanh nghiệp hàng đầu về đầu tư hạ tầng giao thông, Đèo Cả làm nên những công trình chất lượng cao, với tiến độ thi công nhanh và chi phí hợp lý. Việc hợp tác với các đối tác quốc tế uy tín, có kinh nghiệm giúp đẩy mạnh các dự án lớn và phức tạp tại Việt Nam trong giai đoạn tới, nhất là đối với các dự án đường sắt”.
Đại diện đoàn công tác, bà Wang Jing, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đường sắt Trùng Khánh chia sẻ, sau khi tìm hiểu các đơn vị tại Việt Nam, Tập đoàn Đèo Cả là doanh nghiệp đầu tiên mà đoàn công tác quan tâm đề xuất hợp tác để nghiên cứu triển khai mô hình tuyến đường sắt MonoRail tại các đô thị lớn ở Việt Nam.
“Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi đã nghĩ ngay đến cần phải gặp và làm việc với Tập đoàn Đèo Cả - doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam về đầu tư, xây dựng các công trình giao thông, để xúc tiến các công việc có triển vọng hợp tác trong thời gian tới”, bà Wang Jing cho hay.
![]() |
Bà Wang Jing (Ngoài cùng bên trái), Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đường sắt Trùng Khánh phát biểu tại buổi họp (Nguồn: Đèo Cả) |
Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đường sắt Trùng Khánh, mô hình tuyến đường sắt MonoRail giúp giảm tắc nghẽn giao thông, góp phần phát triển kinh tế cho các vùng đô thị có mật độ lớn. Đồng thời, cho biết Tập đoàn Đường sắt Trùng Khánh cùng các đối tác sở hữu công nghệ tiên tiến, khả năng thiết kế và thi công các công trình hạ tầng giao thông phức tạp (bao gồm các cầu, nhà ga và tuyến metro) đã đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Chia sẻ thêm về sự phát triển của doanh nghiệp, bà Wang Jing cho biết Tập đoàn Đường sắt Trùng Khánh đã thành lập nhiều công ty trong nước và hiện đang triển khai các tuyến MonoRail lớn tại Trùng Khánh. Trong đó, tuyến dài nhất và có lượng khách lớn nhất được xây dựng đầu tiên ven sông, còn tuyến chạy đến sân bay Trùng Khánh sẽ được đưa vào vận hành trong tháng 3 tới, áp dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất.
Nói về tiềm năng phát triển tuyến MonoRail tại các đô thị ở Việt Nam, ông Ma Ting, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Viện Nghiên cứu & Thiết kế Đường sắt Trùng Khánh đánh giá bên cạnh việc là lựa chọn giao thông giải quyết tình trạng ùn tắc và phát triển kinh tế, tuyến MonoRail chủ yếu đi trên cao, sử dụng bánh lốp nhằm giảm tiếng ồn và thích ứng với nhiều đoạn địa hình có độ dốc lớn (100%) và góc cua nhỏ (R>50m), hoạt động ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Các dự án MonoRail cũng giúp tiết kiệm đáng kể chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng, đồng thời chi phí đầu tư thấp, có tốc độ thi công nhanh và giảm thiểu lượng khí thải carbon, đạt tiêu chuẩn các công trình xanh.
![]() |
Đại diện các bên chụp ảnh kỷ niệm (Nguồn: Đèo Cả) |
Ghi nhận thế mạnh của các đối tác phía Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt đô thị có sự phù hợp với bối cảnh dư địa phát triển mạnh trong lĩnh vực này tại Việt Nam nói chung tại các vùng đô thị nói riêng, ông Lê Quỳnh Mai cho biết Tập đoàn Đèo Cả sẽ cập nhật và hỗ trợ cung cấp cho đối tác nước bạn các thông tin về chính sách, cơ chế và các dự án mà đoàn công tác đặt vấn đề quan tâm tìm hiểu. Các bên cũng đã thảo luận, chia sẻ về phương án kỹ thuật của các dự án Monorail, bao gồm các bước triển khai và các hình thức hợp tác. Kết thúc chương trình, các bên thống nhất tiếp tục tìm hiểu và có các buổi trao đổi sâu hơn xoay quanh những vấn đề vừa thảo luận.
Bà Wang Jing gửi lời mời Tập đoàn Đèo Cả đến thăm và tham dự sự kiện mở Tuyến Monorail mới do Tập đoàn Đường sắt Trùng Khánh đầu tư và quản lý vận hành tại Trùng Khánh (Trung Quốc) vào tháng 3/2025 với kỳ vọng đây là dịp để doanh nghiệp Việt tham quan thực tế và đánh giá trực quan sự phù hợp của mô hình công trình này trong hệ thống giao thông đô thị tại Việt Nam.
Theo đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM, hai thành phố đã sơ bộ tính toán nhu cầu vốn và phương án huy động để hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2045. Cụ thể, tổng nhu cầu vốn của Hà Nội khoảng 62 tỷ USD, trong khi TP. HCM ước tính hơn 67 tỷ USD, bao gồm cả chi phí vận hành, khai thác và lãi vay.
Tập đoàn Đường sắt Trùng Khánh, được thành lập vào cuối năm 2013, là công ty chuyên về đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành các dự án đường sắt khu vực và các tuyến đường sắt đô thị cao tốc tại Trùng Khánh (Trung Quốc). Trực thuộc Ủy ban Quản lý Tài sản Nhà nước Thành phố Trùng Khánh, công ty hiện đang thực hiện 7 dự án lớn, bao gồm các tuyến đường sắt đô thị cao tốc và các tuyến chuyên dụng, với tổng chiều dài xây dựng khoảng 210km và tổng mức đầu tư lên đến hơn 100 tỷ NDT.
Công ty TNHH Đầu máy Đường sắt CRRC Trùng Khánh được thành lập vào tháng 1 năm 2007, là liên doanh giữa Công ty TNHH Đầu máy Đường sắt CRRC Trường Xuân và Tập đoàn Đầu tư & Phát triển Giao thông Trùng Khánh. Có trụ sở tại Tân thành phố Ngọc Phụ, Khu mới Lưỡng Giang, Trùng Khánh, công ty có tổng vốn đầu tư 800 triệu NDT, với diện tích sàn 310.000m2. Công ty hoạt động trong các lĩnh vực thiết kế và R&D, sản xuất, kiểm tra, bảo trì vận hành, sản xuất linh kiện và tích hợp cơ điện cho các phương tiện đường sắt đô thị, bao gồm tàu MonoRail, tàu điện ngầm, phương tiện hai hệ thống, phương tiện khu vực. Công ty có năng lực sản xuất 500 phương tiện đường sắt đô thị mỗi năm và sửa chữa 300 phương tiện đường sắt đô thị mỗi năm.
Công ty TNHH Viện Nghiên cứu và Thiết kế Đường sắt Trùng Khánh là đơn vị đã tham gia toàn diện vào công tác quy hoạch, tư vấn, thiết kế và giám sát các dự án giao thông đường sắt đô thị tại Trùng Khánh, với tổng chiều dài vận hành vượt hơn 500km. Phạm vi kinh doanh bao gồm các lĩnh vực như giao thông đường sắt đô thị, trung tâm xe buýt, TOD (phát triển định hướng giao thông công cộng), kỹ thuật xây dựng và xây dựng số hóa. Công ty sở hữu năng lực toàn diện về tổng thầu và thiết kế kỹ thuật đa ngành cho các loại dự án giao thông đường sắt đô thị khác nhau, bao gồm hệ thống MonoRail và tàu điện ngầm.
>> Khối lượng công việc năm 2025 dự kiến tăng 46%, Đèo Cả lên kế hoạch tuyển dụng hơn 1.400 nhân sự