Sau khi đưa vào khai thác, phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc này được phép chạy tối đa 90km/h, tối thiểu 60km/h.
Theo kế hoạch, dịp 30/4, cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ được đưa vào khai thác, nối thông tuyến đường từ TP. HCM đến TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) và đi Cam Ranh, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. HCM đến Khánh Hòa còn khoảng 4-5 giờ chạy xe thay vì 8 giờ như trước đây.
Theo thông tin từ Tập đoàn Đèo Cả - đại diện Liên danh nhà đầu tư cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết, đến nay hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ tạm trên tuyến, đội ngũ quản lý vận hành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẵn sàng phục vụ người dân từ 26/4.
Khi đưa vào vận hành, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được Cục Đường bộ Việt Nam giao CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) quản lý vận hành, bảo trì, đảm bảo việc vận hành khai thác an toàn, thông suốt.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam, với tốc độ tối đa cho phép là 90km/h. Trên tuyến có 34 cầu, gồm 22 cầu trên đường cao tốc, 11 cầu vượt cao tốc và cầu trên đường kết nối cao tốc với Quốc lộ 1 tại nút giao Du Long. Đến nay các hạng mục cầu, đường trên tuyến đều đã được hoàn thiện, sẵn sàng đưa vào hoạt động.
Hầm Núi Vung dài 2,25km, gồm hai ống hầm mỗi ống 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, giai đoạn 1 sử dụng ống hầm phải. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là hầm dài thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông.
Hầm Núi Vung đã được Tập đoàn Đèo Cả đào thông 2 nhánh từ tháng 8/2023. Giai đoạn 1 hầm Núi Vung chỉ vận hành nhánh hầm phải. Hầm bên trái sử dụng vào mục đích thoát hiểm và cứu hộ cứu nạn trong tình huống khẩn cấp.
Sau khi đưa vào khai thác, phương tiện lưu thông trên tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo được phép chạy tối đa 90km/h, tối thiểu 60km/h. Đảm bảo an toàn giao thông, hàng chục "mắt thần" đã được đầu tư lắp đặt để kiểm soát tốc độ.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 1 trong 3 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Dự án có chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5km), Ninh Thuận (63km), Bình Thuận (gần 12km) do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 thực hiện. Dự án có tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, được khởi công ngày 30/9/2021.
>> Vì sao dân Thủ đô ‘thi nhau’ đổ xô về thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam để ‘săn đất’?