Ga tàu này sẽ được xây dựng theo hướng ga cao tầng và trở thành ga nội đô, có nhiệm vụ là nhà ga kết nối, trung chuyển khách cho các tuyến đường sắt đô thị.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn.
Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.
Cụ thể, trong giai đoạn từ nay đến năm 2035 và tầm nhìn 2050, hệ thống đường sắt quốc gia trên địa bàn Hà Nội sẽ được thực hiện theo mô hình hướng tâm và tiếp cận đến các đường vành đai.
>> Đường sắt tốc độ cao 70 tỷ USD, chạy 350km/h: Hành trình 'ra Bắc, vào Nam' chỉ còn 5 tiếng?
Các trục hướng tâm Hà Nội sẽ kết nối trực tiếp với đường vành đai, do vậy các tuyến đường sắt quốc gia không tổ chức đi xuyên tâm thành phố.
Với mạng lưới đường sắt trên trục Bắc Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất với UBND TP Hà Nội về hướng tuyến và ga đầu mối. Trong đó, mở rộng tổ hợp nhà ga Ngọc Hồi (Thanh Trì) để vừa tích hợp nhà ga vừa là de-pot, trạm bảo dưỡng ... của cả các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị… Tuyến đường sắt tốc độ cao chỉ dừng ở ga Ngọc Hồi, không đi vào ga Hà Nội.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, với hệ thống đường sắt đô thị nội đô sẽ kết nối các đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, bố trí thêm các tuyến trên dọc các hành lang có mật độ dân cư đông, tập trung việc làm cũng như các dịch vụ thương mại, với các đầu mối giao thông như cảng hàng không, ga đường sắt lớn.
Ga Hà Nội sẽ được xây dựng theo hướng ga cao tầng và trở thành ga nội đô, có nhiệm vụ là nhà ga kết nối, trung chuyển khách cho các tuyến đường sắt đô thị.
Được biết, ga Hà Nội được thực dân Pháp xây dựng, đưa vào khai thác từ năm 1902 với tên gọi là ga Hàng Cỏ.
Năm 1925-1926 là nơi đưa đón các thanh niên yêu nước đi dự các lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở tại Quảng Châu - Trung Quốc. Ngày 11/6/1929, cờ búa liềm đã được treo trên nóc nhà ga.
Tháng 6/1940, chi bộ hoả xa Hà Nội đã được thành lập, đã vận động tuyên truyền cách mạng trên nhiều tuyến đường sắt, góp phần vào thắng lợi của cách mạng tháng 8/1945.
Chiều ngày 21/10/1946, sau chuyến thăm Cộng hoà Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về trên chuyến tàu hoả từ Hải Phòng. Tại đây đã tổ chức lễ duyệt binh Pháp - Việt đón Chủ tịch theo nghi lễ ngoại giao quốc tế với đại diện các nước trong phái bộ đồng minh tại Hà Nội.
Với nhiều thế hệ người dân Thủ đô, dấu mốc năm 1976 đáng nhớ hơn. Sau khi ga Hàng Cỏ được chính thức đổi tên thành ga Hà Nội, Chính phủ đã quyết định tổ chức 2 đoàn tàu Thống Nhất khai thông tuyến đường sắt Bắc Nam.
>> Thành phố đông dân thứ 2 Việt Nam: Giá chung cư sẽ tiếp tục tăng từ 16-20%