Tốc độ tăng trưởng ô tô ở Hà Nội mỗi năm đều khoảng 10%, các tuyến đường dù được mở thêm vẫn không thể đáp ứng được tốc độ tăng của xe cá nhân.
"Tắc đường, tắc đường và tắc đường" đang là những từ được nhắc tới hàng ngày, hàng giờ tại các đô thị lớn. Tắc đường đã trở thành "đặc sản". Đặc biệt, những ngày giáp Tết, tắc đường lại càng là vấn đề nhức nhối.
Tắc đường còn dẫn tới những hệ lụy về sức khỏe, do phải hít bụi, khói xăng xe, cái oi nóng của mùa hè, cái lạnh giá của mùa đông.
Nhiều năm nay, hàng loạt giải pháp đã được đưa ra, nhiều sáng kiến được công bố, từ đổi khung giờ hành chính/giờ đến trường, làm các barie di động, các giải phân cách linh hoạt đến phát triển các đường vành đai, xây thêm cầu vượt… Thậm chí, để khích lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng, hàng loạt xe bus nội thành đã được thay thế bằng xe bus điện sạch sẽ, sang trọng và rộng rãi. Trên đường, nhiều người dân đã tin dùng xe ô tô, xe máy điện thay cho xe xăng để giảm bớt ô nhiễm do khói bụi.
>> Hà Nội mất vài tỷ USD/năm vì tắc đường, chuyên gia Trung Quốc 'hiến kế' giải pháp
Thế nhưng vấn đề tắc đường vẫn chưa giải quyết được triệt để. Thậm chí, việc tắc đường đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn do lượng người/xe đổ về các thành phố lớn ngày càng đông, các phương tiện giao thông ngày càng nhiều lên.
Một góc đường phố Hà Nội |
Tắc đường ngày càng nghiêm trọng, do đâu?
Theo công bố của ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội hồi tháng 11/2023 trong buổi Hội nghị tiếp xúc cử tri, mạng lưới giao thông đường bộ Hà Nội khai thác có tổng chiều dài khoảng 23.400km, bao gồm 5 tuyến cao tốc và vành đai, 11 tuyến đường quốc lộ, 128 tuyến đường tỉnh, 1.220 tuyến đường đô thị…
Dân số Hà Nội khoảng 8 triệu người, chưa tính có khoảng 1,2 triệu người ở các tỉnh khác thường xuyên sinh sống trên địa bàn thành phố.
Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 10/2023, có khoảng 7,8 triệu phương tiện giao thông các loại trên địa bàn, trong đó có khoảng 1,1 triệu xe ô tô, 6,7 triệu xe mô tô. Con số này chưa tính đến khoảng 1,2 triệu phương tiện giao thông khác từ các tỉnh đổ về Thủ đô.
Báo cáo cho biết, từ khoảng 3-4 năm nay, tốc độ tăng trưởng ô tô mỗi năm đều khoảng 10%, trong khi đó diện tích đất tĩnh dành cho giao thông tĩnh tăng rất thấp, chỉ quanh mức 1%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tắc đường ngày càng nghiêm trọng. Các tuyến đường dù được mở thêm vẫn không thể đáp ứng được tốc độ tăng của xe cá nhân.
Lượng xe tăng, lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cũng khiến cho lượng phát thải vào môi trường ngày càng tăng, dẫn tới hiện tượng ô nhiễm không khí cao.
Giải pháp nào cho bài toán tắc đường Hà Nội?
Vậy giải pháp nào cho vấn nạn tắc đường Hà Nội? Chúng tôi có dịp trao đổi với Th.S Hoàng Minh Sơn - Chuyên gia thẩm tra dự án đường sắt tốc độ cao - trong những ngày cận Tết về vấn đề này.
Thưa ông, tắc đường đang là bài toán nan giải tại các thành phố lớn, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng có vẻ chưa khả thi, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Khi phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế, người dân sử dụng phương tiện cá nhân nhiều, các dự án đường sắt đô thị ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chưa phát triển để đáp ứng được nhu cầu của người dân, dân số từ các tỉnh về thành phố ngày càng cao là những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.
Hàng năm, một số lượng lớn sinh viên từ các tỉnh về các thành phố lớn học. Tuy nhiên, tỷ lệ trở lại quê hương sau khi tốt nghiệp thấp đã làm cho việc ùn tắc mỗi năm tăng lên chứ không giảm. Nhất là vào những ngày mưa, người dân sẽ sử dụng lượng ô tô nhiều hơn, tốc độ phương tiện di chuyển chậm khiến đường phố càng thêm ùn tắc. Nhiều đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội có những lúc đi 1km phải chờ mất vài giờ đồng hồ.
Việc ùn tắc giao thông gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, để đảm bảo giờ làm việc, người dân phải dậy sớm, về muộn, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, chưa kể lượng khói bụi do phương tiện gây ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Việc người dân đi làm muộn do ùn tắc cũng ảnh hưởng đến năng suất lao động. Số lượng giờ mỗi người phải dành ra để đi ngoài đường là thời gian “chết” và với số lượng người lớn mất quá nhiều thời gian đi trên đường như vậy sẽ ảnh hưởng phần nào đến phát triển nền kinh tế.
Việc bố mẹ đưa con em đi học cũng ảnh hưởng đến ùn tắc, vì làm tăng cung đường và gây ùn tắc cục bộ trước cổng trường. Nếu bố mẹ đi làm thẳng đến cơ quan sẽ khác so với bố mẹ đưa con cái đi học. Việc này cũng làm cho các gia đình dậy sớm, về muộn, ảnh hưởng thời gian đi làm của bố mẹ mà cũng cả sức khỏe của học sinh.
Ông Hoàng Minh Sơn - Chuyên gia thẩm tra dự án đường sắt tốc độ cao |
Thưa ông, tình trạng tắc đường tại Việt Nam có phải là “độc nhất”? Liệu có nước nào trên thế giới đang như Việt Nam? Có nước nào đã áp dụng các giải pháp hiệu quả?
Không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới khi vấn nạn tắc đường chưa được giải quyết bằng dự án giao thông công cộng, lượng phương tiện cá nhân tăng sẽ làm ùn tắc ngày càng trầm trọng hơn.
Trên thực tế, các thành phố lớn ở giai đoạn tăng trưởng nóng đều gặp phải thách thức khi mở rộng quy mô, vấn nạn tắc đường sẽ đi kèm theo đó. Ở nhiều nước, bài toán này đã phần nào được giải nhờ hệ thống giao thông thông minh.
Ở Stockholm, để người dân giảm dùng xe cá nhân, đặc biệt vào giờ cao điểm, hệ thống thu phí đường bộ điện tử sẽ tự động tính tiền các phương tiện ô tô và xe máy đi vào thành phố từ khung 6h30 đến 18h30 hàng ngày trong tuần. Đây là biện pháp khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện ngầm. Đáng chú ý, các phương tiện ô tô thân thiện với môi trường như xe điện cũng được miễn khoản phí này như các loại xe công cộng, xe cứu thương, taxi.
Chỉ 2 năm áp dụng, lượng xe cá nhân đi qua các trạm thu phí vào khung giờ cao điểm để vào thành phố đã giảm khoảng 25%, tình trạng ùn tắc giảm đáng kể. Số tiền thu được từ hình thức này được dùng để nâng cấp hạ tầng giao thông và các phương tiện, dịch vụ tiện ích giao thông khác.
Bên cạnh đó, ở nhiều nước trên thế giới, việc đưa đón học sinh đi học thường do các phương tiện của nhà trường thực hiện. Sẽ rất ít cảnh hàng trăm bố mẹ chen chân trên đường, đưa con đến trường, chen chúc trước cổng trường. Đây cũng là “điểm cộng” cho giải pháp chống ùn tắc giao thông.
Các nhà máy, công xưởng sản xuất cũng áp dụng hình thức đưa đón bằng xe chuyên dụng của doanh nghiệp, giảm thiểu được rất nhiều phương tiện tham gia giao thông giờ cao điểm.
>> Kết thúc kỳ nghỉ lễ, Hà Nội ùn nhẹ một số tuyến đường, bến xe thông thoáng
Tại Singapore, Chính phủ thu 3 loại phí gồm phí sử dụng đường bộ, phí hạn chế lưu hành phương tiện cá nhân và phí tắc nghẽn giao thông. Để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, Singapore áp dụng hình thức cấp Giấy chứng nhận xe được phép lưu hành (COE),Hệ thống hạn ngạch xe (VQS) và sử dụng Hệ thống thu phí đường bộ điện tử (ERP) để kiểm soát lưu lượng đi lại giờ cao điểm, đặc biệt ở các khu trung tâm.
Singapore sử dụng hệ thống thu phí đường bộ công nghệ cao (ERP) |
Ở Hà Nội, nhiều giải pháp đã được đưa ra, ví dụ như việc phân lại làn đường. Tuy vậy, tình trạng giảm tắc đường cũng chỉ diễn ra được vài ngày đầu, sau đó tình trạng tắc lại tái diễn do đâu?
Việc phân làn chỉ giải quyết cục bộ tạm thời, cần có sự khảo sát để xử lý các điểm ùn tắc cục bộ, từ đó phân tán dòng xe ra các hướng. Nếu không có các giải pháp cụ thể hiện, thì khi xử lý được điểm này lại phát sinh ra các điểm khác…
Trên thực tế, lượng ô tô xe máy vẫn thế, phân lại làn đường chỉ giải quyết vấn đề trong ngắn hạn và cục bộ mà thôi.
Theo ông, có phương pháp nào Việt Nam chưa áp dụng triệt để, mà thế giới đã áp dụng thành công? liệu Việt Nam có thể áp dụng phương pháp đó?
Tăng cường việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, trước mắt là xe bus là giải pháp đầu tiên, thuận tiện nhất. Các tuyến đường sắt đô thị nằm trong quy hoạch vẫn phải cần được đẩy nhanh tiến độ. Hệ thống xe bus cần rà soát lại lộ trình tuyến, tăng cường chất lượng dịch vụ, tiện nghi để thu hút người dân sử dụng.
Học tập một số mô hình ở nước ngoài đối với sử dụng phương tiện cá nhân để đảm bảo việc sử dụng phương tiện này một cách hợp lý, hài hòa giữa lợi ích cá nhân, những người tham gia giao thông và toàn xã hội. Ở một số thành phố lớn trên thế giới như Rio de Janeiro, Ankara hay New York, những chiếc cáp treo được sử dụng như một biện pháp chống nạn tắc đường và là một phương tiện thu hút du khách. Đây cũng là một giải pháp thú vị cho bài toán chống tắc đường.
Thực tế, hàng năm, có hàng trăm ngàn sinh viên về học, kéo theo các phương tiện xe máy, ô tô tăng lên sẽ làm cho ngày càng ùn tắc, do vậy cần có giải pháp đưa các trường đại học về vùng ngoại thành. Việc này cần có lộ trình một cách khoa học và thật hài hòa. Bệnh viện cũng vậy, cần xây dựng lộ trình, nên tính toán bệnh viện trên số lượng dân số để tránh tập trung cục bộ.
Một phương án phân tán lao động là xây dựng quy hoạch ngành nghề để tránh thu hút dân số về các thành phố, định hướng cho người dân học xong về quê hay các tỉnh thành phố làm việc.
>> Hướng dẫn cách tránh tắc đường khi về quê dịp lễ Quốc Khánh 2/9
Ngoài ra, đảm bảo vỉa hè sạch sẽ, có chỗ cho người dân đi bộ. Người dân ngại đi bộ ở khoảng cách dưới 1km hoặc từ nhà ra bãi xe (bến xe bus) là do môi trường ô nhiễm và không gian cho đi bộ hạn chế. Nếu môi trường sạch, không chỉ người dân đi bộ mà còn đi xe đạp, vừa rèn luyện sức khỏe và giảm thiểu ô nhiễm do khí thải.
Ngoài ra người dân cần nắm bắt được tình trạng ùn tắc để có giải pháp di chuyển, chọn cung đường thích hợp. Ở một số nơi trên thế giới, đã ứng dụng giải pháp giao thông thông minh tích hợp để khuyến cáo người dân những tuyến đường đang quá tải nhằm có sự lựa chọn hợp lý.
Trường học cũng cần có nội dung đưa đón học sinh với tỷ lệ sử dụng xe nhà trường cao hơn, điều này sẽ hạn chế được rất nhiều với tình trạng ùn tắc.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Nội mất vài tỷ USD/năm vì tắc đường, chuyên gia Trung Quốc 'hiến kế' giải pháp
Hơn 40 triệu cổ phiếu ngành cảng biển 'cập bến' HoSE sau hơn 7 năm 'tắc đường'