Giải quyết những bất cập tại cầu Vĩnh Tuy 2
Đường Vành đai 2 trên cao và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là 2 công trình mới được đưa vào hoạt động với hạ tầng được xây dựng hiện đại nhưng lại thường xuyên ngập úng do mưa lớn.
Việc bàn giao cầu về cho Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị chức năng chuyên môn quản lý, duy tu, bảo trì được kỳ vọng sẽ giảm thiểu những bất cập như hiện tượng ngập úng trong thời gian qua.
Cứ mưa lại ngập
Sau thời gian xây dựng, mới đây cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 kết nối với đường Vành đai 2 trên cao đã chính thức được đưa vào khai thác. Đây là tuyến đường được đầu tư nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, đồng bộ hạ tầng giao thông khung của TP Hà Nội.
Qua đó, góp phần phân bổ lưu lượng giao thông giữa các khu vực của TP, giảm bớt ùn tắc giao thông, đặc biệt trong khu vực đô thị trung tâm đoạn từ Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở (bao gồm cả đường trên cao và dưới thấp).
Tuy nhiên, kể từ khi thông xe đưa vào sử dụng, tuyến đường Vành đai 2 trên cao và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng sau những trận mưa.
Nhiều người dân đặc biệt quan tâm khi tuyến đường Vành đai 2 trên cao cũng như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đều là công trình giao thông mới, được xây dựng hiện đại lại ngập úng khiến giao thông trên trục đường này rơi vào trạng thái tê liệt, phương tiện di chuyển khó khăn.
Anh Lê Văn Hùng hàng ngày di chuyển qua tuyến đường Vành đai 2 trên cao và cầu Vĩnh Tuy cho biết: “Đây là con đường huyết mạch kết nối các quận Hai Bà Trưng, Long Biên, Đống Đa nên lưu lượng phương tiện hàng ngày rất lớn.
Sau mỗi trận mưa lớn, đường lại ngập khiến giao thông rơi vào tình trạng ùn tắc. Cũng có không ít phương tiện cố tình vượt qua vũng nước sâu nhưng nhiều xe trong số đó bị chết máy”. Cũng theo anh Lê Văn Hùng, có những hôm, trời nắng rất to nhiều giờ đồng hồ nhưng nước thì không thoát được.
Được biết, tuyến đường Vành đai 2 trên cao sau khi được thông xe đưa vào sử dụng, Sở GTVT TP Hà Nội là đơn vị quản lý kết cấu mặt đường, hệ thống tổ chức giao thông; Sở Xây dựng quản lý hệ thống thoát nước, chiếu sáng đô thị; Sở TN&MT và các quận, huyện quản lý vệ sinh môi trường.
Trước đó, ngày 22/4, Sở GTVT Hà Nội gửi công văn đề nghị Sở TN&MT Hà Nội phối hợp dọn vệ sinh môi trường. Trong cả 3 lần gửi công văn (lần gửi mới nhất ngày 22/4), đều cho thấy rõ hiện tượng tồn đọng đất cát phủ dày thành lớp, rác thải bịt kín các lỗ thoát nước gây đọng nước trên mặt đường.
Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, nguyên nhân dẫn đến đường Vành đai 2 trên cao bị ngập úng là do rác thải, bụi làm tắc đường cống thoát nước từ trên cao xuống dưới.
“Phần duy tu, bảo dưỡng và dọn dẹp rác thải là trách nhiệm của đơn vị tài nguyên môi trường và các quận, huyện có tuyến đường đi qua. Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị phụ trách trực tiếp khẩn trương dọn rác thải để thông đường thoát nước, khắc phục tình trạng ngập úng…” - ông Nguyễn Thế Công cho hay.
Đối với việc ngập cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, nguyên nhân đọng nước là do các lỗ thoát nước mặt cầu bị bịt kín bởi rác thải.
“Với trách nhiệm của chủ đầu tư, Ban đã thường xuyên chỉ đạo các nhà thầu thi công dự án bảo đảm an toàn hạ tầng công trình, trong đó có thực hiện công tác dọn vệ sinh định kỳ, khơi thông các vị trí lỗ thoát nước mặt cầu. Tuy nhiên việc triển khai trong thời gian qua là chưa được kịp thời nên khi mưa lớn xảy ra, tình trạng lỗ thoát nước bị lấp kín bởi rác, túi nilon và mùn bụi” - đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội thông tin.
Phối hợp chặt chẽ
Để bảo đảm công tác duy tu, sửa chữa, dọn dẹp vệ sinh cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, ngày 22/5 UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT tiếp nhận, quản lý, bảo trì, theo dõi cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2.
Sở GTVT Hà Nội có trách nhiệm hạch toán tài sản, giá trị và hao mòn tài sản; cập nhật số liệu công trình vào dữ liệu Quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng.
Sau khi quyết toán dự án được phê duyệt, Sở GTVT sẽ điều chỉnh lại nguyên giá tạm tính; tiếp nhận đưa vào quản lý, khai thác, bảo trì công trình theo quy định; tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán bổ sung khối lượng công tác quản lý, bảo trì công trình.
Vành đai 2 trên cao (đoạn từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở) được thông xe ngày 11/1/2023, dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp dài 3km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 9.500 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao. Tuyến đường được kỳ vọng khắc phục tình trạng ùn tắc, đồng bộ hạ tầng giao thông khung của TP.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, thực hiện quyết định của UBND TP, Sở GTVT đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông phối hợp với các phòng, ban liên quan tiếp nhận hồ sơ cũng như những hạng mục của công trình.
Việc bàn giao cầu về cho Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị chức năng chuyên môn quản lý, duy tu, bảo trì được kỳ vọng sẽ giảm thiểu những bất cập như hiện tượng ngập úng trong thời gian qua. Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết tình trạng ngập úng trên đường Vành đai 2 và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng: “Việc để mặt đường, cầu ngập nước trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Hà Nội đã có những giải pháp khẩn trương khi giao cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 cho Sở GTVT chịu trách nhiệm quản lý, dọn dẹp, duy tu…”.
Đối với đường Vành đai 2, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị được giao quản lý. Tăng cường công tác tuần tra nhằm kịp thời xử lý, thu gom rác thải, đặc biệt tại vị trí thoát nước trên đường, vừa bảo đảm môi trường, mỹ quan đô thị, vừa đề phòng ngập úng xảy ra.
“Có thể thấy việc để tồn đọng đất cát, rác thải bịt kín các lỗ thoát nước là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường ở Hà Nội cứ mưa là ngập nước. Chủ đầu tư các dự án cũng cần chú trọng công tác hoàn thiện hồ sơ, bàn giao dự án sớm ngay sau khi đưa vào vận hành khai thác để Hà Nội giao trách nhiệm, duy tu, dọn dẹp cho từng đơn vị cụ thể” – thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho biết thêm.
Cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép với tải trọng thiết kế HL - 93 theo TCVN11823 - 2017, chịu được động đất cấp 8. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m; điểm đầu tại Km0 + 840, giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai; điểm cuối tại Km4 + 312,62, giao với đường Long Biên -Thạch Bàn (đường Cổ Linh). Mặt cắt ngang cầu 19,25m, tương đương 4 làn xe. Cầu được khánh thành và thông xe vào ngày 30/8/2023, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc TP Hà Nội.
Cầu Vĩnh Tuy 2 vừa thông xe gặp hiện tượng lạ, mưa rải rác đã ngập úng