Gojek cấp miễn phí 2.000 nhà ở cho tài xế
Nhiều tài xế xe ôm và taxi công nghệ Gojek sẽ có cơ hội được nhận nhà mới sau khi chính quyền “nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á” và tập đoàn GoTo bắt tay để triển khai một dự án táo bạo.
Nhật báo Jakarta Globe cho hay, Bộ Xây dựng Indonesia đang hợp tác với tập đoàn công nghệ GoTo Gojek Tokopedia (công ty mẹ của hãng gọi xe công nghệ Gojek) để cung cấp 2.000 căn nhà ở xã hội cho các tài xế dịch vụ gọi xe của công ty này, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận nhà ở cho lao động khu vực kinh tế phi chính thức.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng “xứ sở vạn đạo” Maruarar “Ara” Sirait đã gặp Giám đốc điều hành GoTo, ông Patrick Sugito Walujo, vào thứ Ba (8/4) tại văn phòng của ông ở Wisma Mandiri, Trung tâm Jakarta, để chính thức hóa kế hoạch này.
>> Grab tạm dừng toàn bộ hoạt động 9 tuần để chơi 'canh bạc' lớn chưa từng có
Sáng kiến trợ cấp cho tài xế Gojek được thực hiện theo chỉ đạo của Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto nhằm đảm bảo các hỗ trợ về nhà ở đến được với các nhóm thu nhập thấp — được định nghĩa là những người có thu nhập tối đa 7 triệu Rupiah (gần 10,8 triệu đồng) mỗi tháng nếu độc thân, hoặc 8 triệu Rupiah (hơn 12,3 triệu đồng) nếu đã kết hôn.
Tuy nhiên, một thách thức lớn là nhiều tài xế dịch vụ gọi xe không có thu nhập ổn định hoặc cố định hàng tháng đáp ứng các ngưỡng này.
“Chúng tôi đang nói về chương trình nhà ở xã hội dành cho các đối tác Gojek với tổng cộng 2.000 căn nhà, trong đó 1.000 căn dành cho tài xế xe 2 bánh và 1.000 căn cho tài xế xe 4 bánh”, ông Maruarar cho biết.
Chương trình này phát triển từ các nỗ lực trước đây của GoTo nhằm cải thiện phúc lợi cho tài xế kể từ năm 2018, dù các sáng kiến đó trước đây còn có quy mô hạn chế. Với sự hỗ trợ từ Chính phủ Indonesia – “nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á”, dự án nhà ở lần này dự kiến sẽ tiếp cận được nhiều tài xế hơn.
Giám đốc điều hành GoTo, ông Patrick Sugito Walujo hoan nghênh sự hợp tác này và bày tỏ hy vọng nhiều tài xế Gojek của công ty sẽ được hưởng lợi từ chương trình. “Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với ngân hàng Nhà nước Bank Tabungan Negara (BTN) và các cơ quan liên quan khác để xây dựng một chương trình tiếp cận dễ dàng hơn cho các đối tác của chúng tôi”, ông nói.
Ông Patrick cũng nói thêm rằng việc giúp các tài xế sở hữu nhà và trả nợ thế chấp thành công sẽ mở đường cho việc mở rộng chương trình ý nghĩa này trong tương lai. “Chúng tôi hy vọng nhiều tài xế không chỉ sở hữu nhà mà còn quản lý tốt các khoản vay thế chấp. Điều đó sẽ giúp chúng tôi mở rộng sáng kiến này hơn nữa”, vị CEO của Goto chia sẻ.

Ông Ade Mulya, Giám đốc Chính sách công và Quan hệ Chính phủ của GoTo, cho biết công ty đã từng thử nghiệm một chương trình nhà ở tương tự, nhưng gặp phải nhiều thách thức trong khâu triển khai, đặc biệt là trong việc đáp ứng các yêu cầu về thủ tục hành chính và điều kiện xét duyệt.
“Có nhiều rào cản thực tế, bao gồm cả các vấn đề về giấy tờ. Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện mô hình, có thể sẽ liên kết tiêu chí sở hữu nhà với hiệu suất làm việc của tài xế”, ông Ade nói.
>> Từ 11/3, Shopee thay đổi chính sách ship COD ảnh hưởng tới tài xế, người bán
Gojek được thành lập năm 2010, ban đầu tập trung vào các dịch vụ chuyển phát và gọi xe, trước khi ra mắt ứng dụng vào tháng 1/2015 tại Indonesia. Từ đó, Gojek phát triển trở thành nền tảng dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu nước này, mở rộng hoạt động sang thị trường Việt Nam vào năm 2018 với tên gọi GoViet.
Từ năm 2020, GoViet hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek. Trước khi chính thức dừng hoạt động giữa tháng này, Gojek đã đổi tổng giám đốc 4 lần. Họ cung cấp các dịch vụ gồm chở người bằng xe 2 bánh (GoRide), ôtô (GoCar), giao thức ăn (GoFood) và giao hàng (GoSend) tại Việt Nam.
Gojek hoạt động ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai trước khi dừng hoạt động với thông báo chia tay thị trường Việt Nam vào ngày 16/9/2024. Gojek cho biết công ty mẹ là Tập đoàn GoTo (Indonesia) ra quyết định này khi đánh giá lại sự hiện diện trên thị trường để tối ưu hóa tăng trưởng. Quyết định rời Việt Nam nhằm củng cố hoạt động kinh doanh và phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty.
"Chúng tôi sẽ có các hỗ trợ cần thiết với tất cả bên bị ảnh hưởng trong suốt quá trình chuyển tiếp này, đồng thời tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành", Đại diện Gojek cho biết thêm.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence (Ấn Độ), quy mô thị trường gọi xe Việt Nam ước tính đạt 880 triệu USD năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 2,16 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng 19,5% trong giai đoạn 2024-2029.
Thị trường gọi xe Việt Nam có sự góp mặt của Grab, Xanh SM, Be và Gojek. Tuy nhiên, theo báo cáo "Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024" được công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, 42% người Việt lựa chọn Grab khi muốn sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy.
Đứng vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt là Be và Xanh SM với tỷ lệ lần lượt là 32% và 19%. Chỉ 7% người dùng cho biết thường xuyên dùng Gojek dù nền tảng này từng khá phổ biến cách đây 3 - 4 năm về trước.
Theo Jakarta Globe
Grab cân nhắc chi hơn 7 tỷ USD thâu tóm công ty mẹ của GoJek
VinFast thần tốc mở rộng tại Indonesia, CEO GoTo - công ty mẹ Gojek - nói 'không nao núng'