Vietnam Report (VNR) mới công bố bảng xếp hạng TOP 10 doanh nghiệp uy tín, hiệu quả năm 2023.
CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố bảng xếp hạng VIX50 – TOP 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023. Bảng xếp hạng năm nay có rất nhiều xáo trộn so với năm 2022, trong đó ghi nhận vị trí số 1 đổi chủ, nhiều ông lớn bị đẩy khỏi TOP 10, những tân binh lộ diện...
Vietcombank thay thế Vinhomes đứng đầu bảng
Vị trí đầu bảng của TOP 10 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023 đã có sự thay đổi. Vietcombank vươn lên chiếm vị trí số 1 mà Vinhomes sở hữu trong năm 2022.
Nhóm ngân hàng đóng góp đến 6 đại diện là Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, HDBank và ACB. Trong số đó Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank - mã chứng khoán HDB) là tân binh lần đầu xuất hiện, còn 5 ngân hàng còn lại đều đã lọt TOP từ trước đó.
Không chỉ Vietcombank vươn lên dẫn đầu, mà Techcombank, MBB cũng thăng tiến nhiều về thứ hạng trong TOP 10, từ vị trí thứ 8,9 trước đó lên TOP5.
Năm 2022 Vietcombank ghi dấu ấn với hơn 37.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, mức cao nhất từ trước đến nay. Trên bảng xếp hạng Vietcombank cũng thành công nâng hạng từ thứ 6 lên số 1.
Hòa Phát, Masan và Thế giới di động đồng loạt bị đẩy khỏi TOP 10
Bảng xếp hạng TOP 10 doanh nghiệp uy tín, hiệu quả nhất năm nay vắng bóng 3 đại diện là Tập đoàn Hòa Phát, Thế giới di động và Tập đoàn Masan - 3 cái tên từng góp mặt trong TOP4 công ty đại chúng uy tín nhất năm 2022.
Những khó khăn chung của thị trường bất động sản nói chung và ngành sắt thép nói riêng khiến Hòa Phát báo lãi sụt giảm nghiêm trọng, còn 1/4 cùng kỳ. Cùng với đó, hàng loạt những thông tin không tích cực liên quan thị trường bất động sản nói chung cũng ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp nhóm sắt thép vật liệu xây dựng như Hòa Phát. Ngoài ra, sau thời kỳ tăng nóng năm 2022 khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến giá thép, nguyên liệu tăng cao đã được khắc phục, giá thép giảm nhiệt.
Trong ki đó, hậu đại dịch, người dân thắt chặt chi tiêu khiến Masan báo lãi giảm sút hơn một nửa, còn 4.754 tỷ đồng. Năm 2022 khi đại dịch bùng phát, nhu cầu, tâm lý tích trữ của người tiêu dùng khiến cho doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.
Thế giới di động ghi nhận doanh thu tăng khoảng 10.600 tỷ đồng so với cùng kỳ, tuy vậy gánh nặng lãi vay khiến doanh nghiệp ngậm ngùi báo lãi sụt giảm 16% về mức 4.100 tỷ đồng. Báo cáo ghi nhận năm 2022 Thế giới di động chi trên 1.300 tỷ đồng trả lãi vay.
Trên thị trường nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, thương mại, chứng khoán, thép đều giảm. 4 thandg đầu năm 2023 thị trường chứng khoán bắt đầu khởi sắc trước nỗ lực tháo gỡ vướng mắc của các bộ ban ngành.
TOP 10 đón 3 tân binh: Đạm Phú Mỹ, FPT và HDBank
Năm 2022 được xem là năm bội thu của nhóm các doanh nghiệp ngành phân bón hóa chất nói chung. Do vậy tiêu chí về tình hình kinh doanh, hiệu quả kinh doanh… đều không phải bàn đến. Bên cạnh đó sức nóng của nhóm doanh nghiệp ngành phân bón cũng khiến các nhà đầu tư đổ xô săn cổ phiếu, thanh khoản tăng vọt.
Đạm Phú Mỹ (mã chứng khoán DPM) bất ngờ lọt TOp 10 doanh nghiệp uy tín, hiệu quả nhất với vị trí thứ 2 tổng sắp. Nhóm cổ phiếu ngành phân bón trên thị trường cũng nhanh chóng bắt nhịp tăng mạnh.
Ngoài Đạm Phú Mỹ, những tân binh năm nay còn có HDBank và FPT. Trong đó FPT gây bất ngờ khi vươn lên vị trí số 2 toàn bảng. Trên thị trường cổ phiếu FPT đang dần lấy lại vùng đỉnh.
Những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến thứ tự bảng xếp hạng
VNR cho biết có 7 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp đại chúng trên thang điểm 5. Trong số đó yếu tố kết quả kinh doanh được chấm thang cao nhất. Đáng chú ý, Chính sách cổ tức đã vươn lên từ vị trí thứ 8 năm ngoái trở thành yếu tố ảnh hưởng lớn thứ 6 trong năm 2023.
VNR cho rằng cổ tức là yếu tố gắn liền với quản trị doanh nghiệp. Tính nhất quán trong việc chi trả cổ tức và tỷ lệ tăng trưởng cổ tức có thể giúp các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả tài chính và sự ổn định của một doanh nghiệp theo thời gian.