Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa đề nghị thành phố gỡ khó pháp lý cho 64 dự án nhà ở bị ách tắc hồ sơ 5 - 10 năm, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Theo HoREA cho biết, trong số 57 doanh nghiệp là chủ đầu tư của 64 dự án phân bổ khắp khu Đông, Nam và Tây Sài Gòn bị "treo" pháp lý gửi đơn cầu cứu, có nhiều đại gia tên tuổi như: Novaland, Nam Long, Phú Long, Quốc Cường Gia Lai, Him Lam...
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, bên cạnh một số sai sót của các chủ đầu tư, có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến 64 dự án bất động sản vướng pháp lý kéo dài cả thập kỷ qua, mà trong đó có yếu tố của sự chồng chéo Luật Nhà ở 2014 và Luật Đất đai 2013.
Trong danh sách 64 dự án, có 3 nhóm cần được thành phố đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ ách tắc gồm: Nhóm các dự án nhà ở xã hội; nhóm các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không bị rà soát pháp lý và nhóm các dự án nhà ở đang thuộc diện bị rà soát, thanh - kiểm tra nhưng chưa có kết luận cuối cùng.
Trong số 3 nhóm trên, nhóm các dự án nhà ở xã hội được xếp ở mức cần giải quyết hồ sơ bức thiết nhất và cần được ưu tiên khuyến khích phát triển để cung cấp thêm nguồn cung nhà ở xã hội bán và cho thuê đang thiếu hụt tại TP. HCM. Danh sách các doanh nghiệp có dự án thuộc nhóm này “kêu cứu” khá dài, có thể kể đến các dự án nhà ở xã hội bán lẫn cho thuê của các công ty: Lê Thành, Nam Long, Đầu tư Thủ Thiêm, Thiên Phát, Phú Cường, Vạn Thái, Saigonres...
Với nhóm các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không bị rà soát pháp lý, HoREA cho rằng dù không vướng quy định kiểm tra, thanh tra, điều tra, thành phố nhưng cần được hoàn thiện các bước thủ tục nộp tiền sử dụng đất, hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận cho khách hàng mua nhà. Theo HoREA, hiện nay ước tính còn khoảng hơn 20.000 căn hộ dự án nhà chung cư trên địa bàn thành phố chưa được cấp sổ hồng thuộc nhóm này.
Ở nhóm cuối cùng, nhiều trường hợp các dự án này đều đã được chấp thuận đầu tư, hoặc triển khai thực hiện trong nhiều năm trước đây, hay đã hoàn thành đầu tư xây dựng và người mua nhà đã cư ngụ ổn định, HoREA kiến nghị thành phố xử lý theo hướng ưu tiên quyền lợi của người dân.
Ngoài ra, để ổn định thị trường địa ốc trong 1 – 2 năm tới, Chủ tịch HoREA cho rằng TP. HCM cần đẩy mạnh giải quyết các vướng mắc pháp lý cho 64 dự án này nhằm thúc đẩy tốc độ triển khai xây dựng trước 6 tháng đầu năm 2022. Đây cũng là cách giúp tăng nguồn nhà ở phục vụ nhu cầu rất lớn của thị trường, giảm thế độc quyền tăng giá bán và tăng nguồn thu cho ngân sách từ việc các doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất.
HoREA đề xuất TP. HCM tính lại phương pháp xác định dân số tại các chung cư
Bộ Tài chính gỡ vướng cho quy định ‘vốn mỏng', cần áp dụng ngay năm nay