Khi giá cả toàn cầu biến động, Việt Nam làm gì để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát?
Để kiểm soát lạm phát năm 2025 được như mục tiêu đề ra, bà Nguyễn Thu Oanh, Trưởng ban Thống kê dịch vụ và giá, Cục Thống kê cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
Ba kịch bản lạm phát
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 giảm 0,03% so với tháng trước, tăng 1.3% so với tháng 12/2024 và tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1/2025, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 3,01%.
![]() |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 giảm 0,03% so với tháng trước, tăng 1.3% so với tháng 12/2024 và tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước. |
Giá xăng dầu, giá gạo giảm theo giá thế giới là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 giảm 0,03% so với tháng trước; tăng 1,3% so với tháng 12/2024 và tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước.
Để tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8%, Quốc hội đã nới trần lạm phát từ 4 - 4,5% lên 4,5 - 5%, tuy nhiên, Chính phủ muốn lạm phát chỉ xoay quanh mức 4,15%. Kiểm soát lạm phát ở mức 4,15% bằng cách nào khi mà giá thịt lợn đang ở mức rất cao và các sàn thương mại điện tử đã đồng loạt tăng phí, tác động ngay tới mặt bằng giá cả hàng hóa là bài toán đang được đặt ra.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Trưởng ban Thống kê dịch vụ và giá, Cục Thống kê cho rằng ngay từ đầu năm 2025, Cục Thống kê đưa ra 3 kịch bản lạm phát của Việt Nam gồm 3,8%; 4,2% và 4,5%. Đến nay, lạm phát vẫn dưới ngưỡng Chính phủ hướng tới dưới 4,15%
Tuy nhiên, bà Oanh lưu ý không nên chủ quan nếu như Mỹ áp thuế đối ứng với không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới. Từ đó, có thể gây ảnh hưởng đến lạm phát dài hạn nếu các đối tác thương mại toàn cầu có hành động "trả đũa".
"Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên giá hàng hóa trên thế giới ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên", bà Oanh nêu.
Điều hành linh hoạt các công cụ
Để kiểm soát lạm phát năm 2025 được như mục tiêu đề ra, bà Oanh cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
Ngoài ra, cần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị.
![]() |
Điều hành linh hoạt các công cụ. |
Cũng theo bà Oanh các bộ ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas...) để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp lễ nhằm hạn chế tăng giá; cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
"Quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế", bà Oanh nêu.
Bà Oanh cũng cho rằng việc điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.
"Với kinh nghiệm điều hành của Chính phủ, chúng tôi tin rằng có thể đạt được mục tiêu đề ra", bà Oanh nêu rõ.
Tại hội thảo mới đây, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng với rủi ro trong nước, lạm phát là yếu tố đáng lo nhất bởi để đạt được mức tăng trưởng 8-10%, lượng tiền bơm vào nền kinh tế phải nhiều, vòng quay tiền cũng nhanh hơn thì lạm phát sẽ tăng lên. Ở bên ngoài, nhập khẩu lạm phát cũng có thể xảy ra khi biến động thế giới rất lớn, chiến tranh thương mại có nguy cơ lan rộng.
"Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ trong bất kỳ trường hợp nào cũng không để lạm phát vượt 5%, kể cả sắp tới tăng trưởng hai con số cũng không để lạm phát tăng trưởng quá 5% nếu không sẽ dẫn đến bất ổn về vĩ mô", TS Cấn Văn Lực nói và nhấn mạnh nếu đã "thả" lạm phát ra trên 5% thì đến khi kéo xuống sẽ vô cùng khó khăn.
Dù vậy, theo TS Lực, dựa trên các số liệu thống kê mới công bố, lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát và dự báo đạt 4 - 4,5% trong năm nay.
>>Giá thịt lợn ‘nhảy đồng’, chủ trang trại ở Hải Phòng thừa nhận tình cảnh chăn nuôi hiện tại
ADB: Vì sao lạm phát giảm sâu nhưng các ngân hàng trung ương vẫn ‘giữ phanh’?
Ông Trump gây áp lực: ‘Không có lạm phát, Fed nên cắt giảm lãi suất ngay!’