Hiện tại, hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất bị xuống cấp trầm trọng, cần khoảng 16.600 tỷ đồng để "nâng cấp".
Sau hơn 20 năm thành lập, Khu kinh tế Dung Quất đã đóng góp vào ngân sách Trung ương khoảng 175.000 tỷ đồng. Hiện tại, hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất bị xuống cấp trầm trọng, nhất là các tuyến đường giao thông. Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi ví von rằng: "Đây là con gà đẻ trứng vàng, nhưng chỉ bắt đẻ mà không cho ăn".
Đáng nói, thực trạng trên tồn tại trong nhiều năm qua, trong khi nguồn vốn đầu tư hạ tầng và cơ chế chính sách đi kèm chưa được quan tâm đúng mức. Cử tri huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) mong muốn tỉnh quan tâm đầu tư để phát triển đô thị Vạn Tường từ nguồn thu ngân sách ở Khu kinh tế Dung Quất và để nhân dân đã nhường đất cho các dự án được hưởng lợi.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, nội dung cử tri quan tâm nêu trên đã được UBND tỉnh báo cáo và đề xuất Trung ương từ năm 2023 đến nay. Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2009-2023, ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất khoảng 1% nguồn thu trên địa bàn này.
Do đó, UBND tỉnh đã đề xuất bố trí từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu hàng năm cho Khu kinh tế Dung Quất tương ứng mức 10-15% số thu trên địa bàn nộp về ngân sách Trung ương để tái đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng. Đến nay, Trung ương chưa có cơ chế, chính sách này cho tỉnh.
Riêng từ nguồn vốn đầu tư công của tỉnh, Quảng Ngãi đã quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất. Hiện tỉnh đầu tư 17 công trình, dự án tại Khu kinh tế Dung Quất (gồm 9 dự án chuyển tiếp và 8 dự án khởi công mới), với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
>> Hoà Phát đề xuất xây dựng 2 khu bến cảng 18ha, tỉnh Quảng Ngãi ra "tối hậu thư"
Trong đó, dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất có tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng. Thông qua dự án này, Quảng Ngãi từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng các tuyến đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật (vỉa hẻ, cây xanh, thoát nước dọc, điện chiếu sáng…) theo quy hoạch, đảm bảo kết nối thông suốt Khu kinh tế Dung Quất và các khu vực xung quanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu cơ bản về vận chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu của các doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội...
Theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, trên cơ sở hiện trạng hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất, quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 theo Quyết định 168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000, ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh này lập đề án đầu tư duy tu, bảo dưỡng, hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất.
Nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất theo các đề án được Quảng Ngãi lập từ nay đến năm 2030 khoảng 16.652 tỷ đồng (trong đó, giai đoạn 2023-2025 là 3.822 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 12.830 tỷ đồng).
Tuy nhiên, đây là số kinh phí lớn, địa phương không đủ nguồn lực thực hiện. Vì vậy, một mặt, Quảng Ngãi sẽ nỗ lực xây dựng và bảo vệ đề xuất cho hưởng cơ chế đặc thù, mặt khác kiến nghị Trung ương hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong giai đoạn tới.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, thuộc khu kinh tế Dung Quất, là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam xây dựng thuộc địa phận xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
>> Thành phố lớn thứ 5 cả nước khánh thành 2 cây cầu trọng điểm hơn 358 tỷ đồng
'Siêu' dự án điện khí LNG 2,3 tỷ USD tại Quảng Trị 3 năm vẫn 'cần được tháo gỡ'
Thành phố lớn thứ 5 cả nước khánh thành 2 cây cầu trọng điểm hơn 358 tỷ đồng