Kiểm toán Nhà nước: chưa đạt mục tiêu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1%
Kiểm toán Nhà nước ghi nhận Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp giảm lãi suất trong năm ngoái, nhưng hiệu quả chưa cao.
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, lãi suất cho vay vẫn chưa đạt mục tiêu giảm.
Cụ thể, liên quan đến lãi suất cho vay, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp giảm lãi suất trong năm ngoái, nhưng hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu "phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1%" theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội. Thậm chí, tỷ lệ này còn có xu hướng tăng, biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%.
Cơ quan kiểm toán nhận xét, hai lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 9 và 10/2022, với tổng mức tăng 2%, khiến lãi suất huy động và cho vay bình quân đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm. Ở thời điểm đó, lãi suất huy động trên 11%, cho vay trên 13%.
"Việc đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi của Ngân hàng Nhà nước (trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng dần lãi suất từ đầu năm 2022) là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế, khiến môi trường kinh tế rủi ro hơn", Kiểm toán Nhà nước đánh giá.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện cơ cấu tín dụng năm 2022 chưa hướng vào lĩnh vực ưu tiên, tín dụng cấp cho lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tăng. Đến cuối 2022, dư nợ tín dụng vào bất động sản đạt hơn 2,58 triệu tỷ đồng, tăng gần 24% so với cuối năm 2021. Mức này cao gấp 1,7 lần so với tăng trưởng ngành ngân hàng.
Cơ quan kiểm toán nhận xét, phản ứng của Ngân hàng Nhà nước còn chậm dẫn đến điều chỉnh tăng lãi suất đột ngột. Cơ quan thanh tra giám sát chưa phân tích, làm rõ một số vấn đề trọng yếu, tiềm ẩn rủi ro của một số ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng chưa tiết giảm chi phí, chủ động hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế.