Kỳ lạ người đàn ông Việt quyết tâm thành "tỷ phú rác" trên đất Mỹ, về nước chi 150 triệu USD để mỗi ngày xử lý 5.000 tấn rác
Dù khá kín tiếng ở Việt Nam nhưng trên đất Mỹ, ông là một doanh nhân thành công và được mệnh danh là “vua rác”, “tỷ phú rác” đầu tiên của xứ cờ hoa.
Nhắc đến cái tên David Dương, có thể nhiều người Việt Nam còn hơi lạ lẫm, nhưng ở Mỹ, ông lại là nhân vật tiếng tăm trên thương trường, được mệnh danh là “vua rác”, “tỷ phú rác” đầu tiên của xứ cờ hoa.
Khởi nghiệp từ những mảnh bìa cứng
David Dương tên thật Dương Tử Trung, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Ông xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nghề sản xuất các loại giấy, thu mua và tái chế phế liệu. Bố David Dương là ông Dương Tài Thu từng sở hữu một công ty tái chế và nhà máy giấy lớn nhất miền Nam Việt Nam, mang tên Cogido - nhà máy giấy Đồng Nai.
Năm 1979, gia đình ông chuyển đến đến Hoa Kỳ và sinh sống ở Quận Tenderloin của San Francisco. Khởi đầu của họ cũng khó khăn không kém những hoàn cảnh tha hương khác khi không có vốn, không biết tiếng, không biết về văn hóa, không hợp khí hậu, càng không có mối quan hệ…
Chia sẻ với VTC News hồi đầu năm 2023, David Dương kể: “Khi đến Mỹ, tài sản của gia đình hầu như không còn, nên phải tìm đến các tổ chức phi lợi nhuận nhờ giúp đỡ. 16 người ở vỏn vẹn trong hai căn phòng nhỏ mà ở Mỹ gọi là studio, tất cả bao gồm chỗ ngủ, bếp, phòng vệ sinh trong một không gian”.
Quyết tâm làm giàu, bố của David Dương bắt tay vào lập nghiệp. Một hôm, cha ông dẫn mọi người đi lòng vòng quanh khu trung tâm San Francisco để ngắm cảnh. Phía bên trên là những tòa nhà cao chọc trời, bên dưới thì có rất nhiều người mang rác ra, nhiều loại giấy khác nhau, chai lọ, lon nhôm. Cha của David Dương bỗng nảy ra ý định tái chế những loại rác này, liền bảo các con mỗi người ngồi lên một chuyến xe buýt, nhiệm vụ là quan sát phía bên mình ngồi xem ở đây có nhà máy thu mua phế liệu hay không, khi nào đi hết tuyến thì lại quay ngược lại.
Một vài ngày sau, cả nhà phát hiện ra rằng ở tuyến xe buýt số 16 sẽ thấy có một trạm thu mua phế liệu, và đó chính là cách gia đình David Dương bắt đầu làm ăn.
Sau một thời gian có vốn, bố David Dương thuê hẳn nhà kho chứa phế liệu, gom vốn mua máy đóng linh kiện hàng xuất khẩu sang Đài Loan. Năm 1983, công ty Cogido Paper Corporation ra đời. Công ty khi đó có nhà kho trên đường 18, rộng khoảng hơn 3.000 mét vuông, lắp thêm máy đóng kiện, công ty khởi nghiệp của gia đình bắt đầu từ đó.
Sau này già yếu, ông Dương Tài Thu giao lại trọng trách cho David Dương tiếp quản, biệt danh “vua rác”, “tỷ phú rác” cũng từ đó mà dần gắn với ông.
Mang thành công từ Mỹ về quê hương
Không chỉ đơn thuần làm công việc kinh doanh, David Dương còn được khen ngợi bởi khả năng quan hệ tốt. Ông có nhiều mối quan hệ với cấp chính quyền của tiểu bang, liên bang tại Mỹ. Vị doanh nhân này chia sẻ: “Sự quan hệ rộng rãi đối với các cấp chính quyền của tiểu bang cũng như liên bang, dù không liên quan đến công việc của tôi nhưng nó liên quan đến Việt Nam, liên quan đến cộng đồng người Việt Nam thì tôi sẽ thiết lập quan hệ đó. Tôi tạo ra nhiều mối quan hệ để mình giúp ích cho cộng đồng Việt Nam ở đây và giúp ích cho đất nước Việt Nam”.
Làm “vua rác” ở Mỹ, nhưng David Dương cũng rất trăn trở về tình trạng rác thải ở quê nhà, luôn hướng về Việt Nam. Đến những năm đầu của thế kỷ 21, ông trở về nước và đầu tư 150 triệu USD vào công ty Vietnam Waste Solutions (VWS) và khu xử lí rác tại Đa Phước ở huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Đây là khu xử lý rác hiện đại với công nghệ tiên tiến thế giới, mỗi ngày tiếp nhận và xử lý hơn 5.000 tấn rác của thành phố. Rác không chỉ được chôn lấp xử lý theo tiêu chuẩn mà còn tạo ra nhiều lợi ích như một lượng rác được nhà máy phân loại làm phân compost, nước rỉ rác từ rác được xử lý qua công nghệ hiện đại để dùng lại cho các sinh hoạt.
David Dương cho biết: "Tôi hay nói vui rằng, trước đây, bố mẹ chúng tôi có nhà máy giấy lớn nhất miền Nam Việt Nam, giờ chúng tôi có nhà máy xử lý chất thải lớn nhất cả nước. Trên thực tế, họ vẫn luôn muốn tôi quay trở lại Việt Nam để đóng góp sức mình cho sự phát triển của đất nước".
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát, ông cũng rất nhiều lần ủng hộ đất nước qua những hình thức khác nhau. Tháng 9/2021, vị doanh nhân này đã trao tặng 1.000 máy thở cho Việt Nam. Hồi đầu đại dịch, VWS đã hỗ trợ 200 triệu đồng hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.
Đến giữa tháng 4/2020, ông David Dương ủng hộ 100.000 USD vào Quỹ phòng chống dịch Covid-19 của Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, Mỹ...
Tinh thần hướng về cội nguồn của doanh nhân David Dương còn được truyền dạy cho các thế hệ sau, con trai ông là Johnny Dương từng chia sẻ: "Chúng tôi không bao giờ quên đi nguồn gốc của mình".