Láng giềng Việt Nam khởi động siêu dự án kênh đào hơn 700km xuyên ba tỉnh, vốn đầu tư 1 triệu tỷ đồng
Trung Quốc đang tăng tốc triển khai hàng loạt dự án kênh đào quy mô lớn, trong đó nổi bật là tuyến Giang Tây – Chiết Giang trị giá hàng chục tỷ USD, được kỳ vọng trở thành công trình “Đại Vận Hà” của thế kỷ 21.
Chính phủ Trung Quốc vừa chính thức đưa vào chương trình nghị sự dự án siêu kênh đào dài 767 km, nối tỉnh Giang Tây giàu tài nguyên với tỉnh Chiết Giang phát triển ven biển. Dự án được ví như “Đại Vận Hà của thế kỷ 21”, đánh dấu bước đi quan trọng trong chiến lược mở rộng mạng lưới giao thông đường thủy nội địa nhằm tăng cường liên kết kinh tế giữa các vùng miền.
Theo văn bản chính sách vừa được Bắc Kinh công bố, tuyến kênh đào này sẽ trở thành một phần trong đại dự án kết nối ba tỉnh phía Đông Nam Trung Quốc – Quảng Đông, Giang Tây và Chiết Giang – bằng hệ thống đường thủy hiện đại.
Với mức đầu tư dự kiến lên tới 320 tỷ nhân dân tệ (hơn 1 triệu tỷ đồng), đây sẽ là kênh đào nhân tạo đắt đỏ nhất từng được xây dựng ở Trung Quốc, gần gấp ba lần kinh phí xây cầu Hồng Kông – Chu Hải – Ma Cao.

Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc đã có hệ thống đường sắt cao tốc và đường bộ trải rộng khắp cả nước, chính quyền đang chuyển hướng sang khai thác tiềm năng vận tải đường thủy như một giải pháp mới nhằm giảm chi phí hậu cần, tăng hiệu quả vận chuyển và góp phần cân bằng phát triển vùng.
“Việc phát triển các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt là kênh đào nhân tạo, là chìa khóa để kết nối khu vực nội địa đang kém phát triển với các trung tâm công nghiệp và xuất khẩu ven biển,” một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Hậu cần Trung Quốc nhận định. “Đây không chỉ là bài toán hạ tầng, mà còn là chiến lược kinh tế dài hạn nhằm thúc đẩy hội nhập khu vực”.
Tỉnh Giang Tây, nơi được biết đến với trữ lượng đất hiếm phong phú, từ lâu đã gặp khó khăn trong việc kết nối với các cảng lớn ở miền đông do hạn chế về vận tải. Trong khi đó, Chiết Giang sở hữu hệ thống công nghiệp và hậu cần hiện đại, cùng nhiều cảng biển chiến lược. Việc xây dựng tuyến kênh đào sẽ tạo hành lang vận tải mới, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và mở ra cơ hội phát triển cho các địa phương trong nội địa.

Dự án cũng được xem là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm giảm áp lực lên hệ thống vận tải đường bộ, tăng cường tính bền vững trong phát triển và đẩy mạnh khai thác các tuyến giao thông ít phát thải hơn, phù hợp với cam kết giảm khí thải carbon mà Bắc Kinh đặt ra.
Trong kế hoạch hành động công bố đầu tháng 5, chính quyền tỉnh Chiết Giang cho biết sẽ khởi động quá trình “lập kế hoạch và thúc đẩy” dự án kênh đào, với mục tiêu đưa tỉnh này trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về vận tải đường thủy nội địa vào năm 2035.
Theo quy hoạch, tuyến kênh sẽ đạt chuẩn đường thủy nội địa cấp III, đủ khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải tới 1.000 tấn. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ước tính khi đi vào vận hành, kênh đào có thể xử lý khoảng 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, góp phần đáng kể vào việc giảm tải cho các tuyến đường bộ và đường sắt vốn đang chịu nhiều áp lực.
Dự án này cũng nằm trong chiến lược lớn hơn nhằm thiết lập mạng lưới đường thủy nội địa quốc gia với tổng chiều dài lên tới 25.000 km vào năm 2035 – một phần trong nỗ lực cải tổ cơ cấu vận tải quốc gia theo hướng xanh hơn và hiệu quả hơn. Hiện tại, chi phí hậu cần của Trung Quốc vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 14,1% GDP vào năm 2024 – con số được đánh giá là cao ngay cả so với các nước phát triển.
Theo Ngân hàng Thương mại Trung Quốc, trong khi vận tải đường bộ đang giữ vai trò chủ đạo, thì vận tải đường thủy lại là giải pháp kinh tế hơn nhiều, với chi phí chỉ bằng khoảng 1/15 so với đường bộ và 1/4 so với đường sắt. Do đó, mở rộng các tuyến đường thủy nhân tạo không chỉ nhằm tăng khả năng kết nối vùng miền mà còn góp phần tối ưu hóa chi phí và giảm lượng khí thải trong ngành logistics.
“Việc xây dựng các tuyến đường thủy nội địa đang định hình lại bản đồ kinh tế của Trung Quốc,” các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thương mại Trung Quốc nhận định trong một báo cáo cuối tháng 4.
Báo cáo dẫn ví dụ từ mạng lưới West River – hệ thống đường thủy được thiết kế để rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa khu vực Tây Nam Trung Quốc và Vùng Vịnh Lớn (Greater Bay Area) xuống chỉ còn 36 giờ. Tuyến vận tải này kết nối nguồn năng lượng giá rẻ từ phía tây với các cảng biển và thế mạnh hậu cần của khu vực phía đông, tạo ra dòng chảy thương mại hai chiều hiệu quả hơn.
“Những kết nối như vậy đang đặt nền tảng cho một bố cục công nghiệp đa trung tâm, với các mạng lưới liên vùng được tích hợp chặt chẽ hơn, thúc đẩy sự hội nhập kinh tế giữa miền đông, miền trung và miền tây Trung Quốc,” báo cáo viết.
Trên thực tế, việc phát triển hạ tầng giao thông đường thủy đã có tiền lệ tại nhiều địa phương trong những năm gần đây. Năm 2022, Kênh đào Jianghuai ở tỉnh An Huy – dự án chuyển hướng nước có tổng đầu tư lên đến 100 tỷ nhân dân tệ – đã chính thức mở cửa cho tàu thuyền lưu thông, trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới vận tải khu vực miền trung.
Cùng năm đó, dự án kênh đào Bình Lục dài 134,2 km tại khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, gần biên giới Việt Nam, cũng chính thức khởi công, với chi phí đầu tư dự kiến vượt quá 70 tỷ nhân dân tệ. Đây là một phần trong kế hoạch chiến lược nhằm nâng cấp năng lực giao thương của vùng Tây Nam Trung Quốc với Đông Nam Á và các tỉnh nội địa.
Chính quyền Quảng Tây cũng đã tiết lộ kế hoạch xây dựng thêm một tuyến kênh đào mới nối từ khu tự trị này đến tỉnh Hồ Nam lân cận. Dự án hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 150 tỷ nhân dân tệ. Nếu được triển khai, tuyến kênh này sẽ tiếp tục mở rộng không gian kết nối liên tỉnh, đồng thời củng cố vai trò trung chuyển chiến lược của Quảng Tây trong mạng lưới giao thương khu vực.
Tham khảo South China Morning Post (SCMP)