Láng giềng Việt Nam lấp biển xây siêu sân bay trên đảo nhân tạo lớn nhất thế giới: Diện tích 20,9km², phục vụ 43 triệu hành khách mỗi năm, trị giá 109.000 tỷ đồng
Với tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2035, sân bay quốc tế Dalian Jinzhouwan không chỉ là một công trình kỹ thuật quy mô lớn mà còn là biểu tượng mới cho tham vọng phát triển của Trung Quốc.
Trung Quốc đang thực hiện dự án xây dựng sân bay đảo nhân tạo lớn nhất thế giới tại Đại Liên, một thành phố cảng quan trọng thuộc tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc nước này. Dự án mang tên sân bay quốc tế Dalian Jinzhouwan, không chỉ là minh chứng cho năng lực kỹ thuật vượt trội mà còn khẳng định cam kết mạnh mẽ của Trung Quốc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại. Đây là sân bay đầu tiên ở Trung Quốc đại lục được xây dựng hoàn toàn trên đảo nhân tạo ngoài biển.
Với diện tích lên tới 20,9km², sân bay quốc tế Dalian Jinzhouwan sẽ vượt qua các sân bay trên đảo nhân tạo nổi tiếng như sân bay quốc tế Hồng Kông (12,48 km²) và sân bay Kansai của Nhật Bản (10,5 km²). Sân bay này được thiết kế với 4 đường băng và một nhà ga khổng lồ rộng 900.000 m², đủ sức phục vụ 43 triệu hành khách mỗi năm ngay từ giai đoạn đầu, và có khả năng mở rộng để đón tới 80 triệu hành khách cũng như xử lý 1 triệu tấn hàng hóa hàng năm.
Để tạo dựng đảo nhân tạo, hàng triệu m3 cát và đá đã được sử dụng với các kỹ thuật lấn biển tiên tiến. Tính đến tháng 8 năm nay, quá trình xử lý nền móng sâu trên khu vực đất lấn biển rộng 77.000 m² đã hoàn tất, mở đường cho các giai đoạn xây dựng tiếp theo.
Nằm trên bán đảo ở phía Bắc eo biển Bột Hải, Đại Liên là một thành phố cảng nhộn nhịp, nổi tiếng với vai trò trung tâm về vận tải, logistics, du lịch ven biển và công nghiệp lọc dầu. Với dân số hơn 6 triệu người, vị trí chiến lược gần Nhật Bản và Hàn Quốc, sân bay mới hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ vị thế kinh tế của Đại Liên, trở thành trung tâm vận tải hàng không khu vực quan trọng, kết nối thành phố với các điểm đến nội địa và quốc tế.
Hiện tại, sân bay Dalian Zhoushuizi, được xây dựng từ thời Nhật Bản chiếm đóng cách đây gần một thế kỷ, đã đạt giới hạn công suất sau nhiều lần mở rộng. Năm 2023, sân bay này chỉ phục vụ được 658.000 lượt hành khách quốc tế, trong khi vị trí nằm trong thung lũng, bao quanh bởi núi, khiến việc điều hướng của phi công trở nên khó khăn, đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu.
Dù mang lại tiềm năng kinh tế lớn, sân bay trên đảo nhân tạo cũng đối mặt với không ít rủi ro. Do nằm hoàn toàn trên biển, công trình này có thể chịu ảnh hưởng nặng nề từ các thảm họa tự nhiên như động đất, bão hoặc tai nạn con người gây ra. Hệ thống cầu nối sân bay với đất liền cũng dễ bị tổn thương, tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn hoạt động.
Với tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2035, sân bay quốc tế Dalian Jinzhouwan không chỉ là một công trình kỹ thuật quy mô lớn mà còn là biểu tượng mới cho tham vọng phát triển của Trung Quốc. Dự án này được kỳ vọng sẽ tăng cường kết nối, hỗ trợ thương mại và thúc đẩy du lịch, đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố vị thế của Đại Liên như một trung tâm kinh tế và giao thông hàng đầu khu vực.
Theo NDTV, Interesting Engineering