Lừa đảo chứng khoán nở rộ, cạm bẫy đầu tư ở khắp nơi

29-09-2022 13:59|Anh Tú

Không chỉ lừa đảo trên mạng xã hội như Facebook, Telegram, Zalo... các đối tượng xấu thậm chí mạo danh cả Sở giao dịch, các công ty chứng khoán hay chuyên gia chứng khoán để "moi tiền" những nhà đầu tư cả tin.

Thận trọng tin nhắn nặc danh công ty chứng khoán, ứng dụng giao dịch giả mạo

Công ty Chứng khoán Hòa Bình (HBS) vừa phát đi cảnh báo về việc xuất hiện đối tượng nặc danh doanh nghiệp và làm giả con dấu, website để kêu gọi hợp tác đầu tư bên ngoài.

Đại diện HBS thông tin vào chiều ngày 23/9 đã nhận được phản ánh của một nhà đầu tư, nội dung là có đối tượng tự xưng là nhân viên của HBS và đề nghị thực hiện hoạt động đầu tư để hưởng lợi nhuận.
Sau đó, đối tượng nặc danh đã gửi cho nhà đầu tư trên một bản hợp đồng hợp tác đầu tư, trên đó có con dấu thể hiện các thông tin của HBS.

Công ty còn phát hiện được trang web www.hbsppecvip.com tự đặt tên là Công ty Cổ phần Chứng khoán Hoà Bình với rất nhiều thông tin liên lạc.

Phía HBS khẳng định trang web này hoàn toàn không liên quan đến doanh nghiệp. 

Trước HBS, hồi giữa tháng 9, Công ty Chứng khoán Kiến thiết (CSI) cũng bị mạo danh để lừa đảo khách hàng.

Gần 2 tháng qua, một số công ty chứng khoán và cơ quan quản lý cũng lên tiếng cảnh báo vì bị mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong đó trường hợp mới nhất là việc Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) hôm 7/9/2022 đã có thông báo gửi nhà đầu tư và Quý khách hàng cảnh báo về các hành vi lừa đảo mạo danh.

Hay như Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hồi đầu tháng 8 đã cảnh báo có hiện tượng một số website giả mạo đã sử dụng trái phép logo, hình ảnh nhận diện thương hiệu và thông tin hoạt động của HNX, kêu gọi huy động tiền và đầu tư chứng khoán trực tiếp với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Cách đây không lâu, hàng nghìn nhà đầu tư tham gia ứng dụng đầu tư chứng khoán không rõ nguồn gốc có tên là StockX khi ứng dụng này cũng quảng cáo cho giao dịch T+0, cam kết lợi nhuận 600%/năm, được mua cổ phiếu rẻ hơn so với thị trường. Tuy nhiên sau khi nhà đầu tư nạp tiền vào một thời gian, mới đây ứng dụng này đã dừng hoạt động, toàn bộ nhà đầu tư đã mất trắng tiền.

Hồi đầu năm, lần lượt Công ty Chứng khoán SSICông ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đều có thông báo về việc bị các đối tượng xấu mạo danh để gọi điện "mồi chài" nhà đầu tư góp vốn.

Đề phòng với các "chuyên gia chứng khoán" nửa mùa

Dẫn nguồn Đại đoàn kết, mới đây, việc 2 người ở tỉnh Kon Tum tố cáo tới cơ quan chức năng việc bị tội phạm giả danh “chuyên gia chứng khoán” mời gọi đầu tư, thực chất là để lừa đảo, chiếm đoạt lên đến hơn 1 tỷ đồng, một lần nữa cảnh tỉnh những ai nhẹ dạ cả tin.

Với thủ đoạn giả danh “chuyên gia chứng khoán”, giả danh là người của công ty chứng khoán, các đối tượng lừa đảo đã gọi điện thoại/nhắn tin mời tham gia các group về chứng khoán, sau đó dụ dỗ khách hàng mở tài khoản ảo và chuyển, nộp tiền dưới nhiều hình thức. Thậm chí chúng còn giả mạo cả sở giao dịch chứng khoán để kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, cơ hội 1 vốn 4 lời, thậm chí 1 vốn 10 lời thì bản thân nó cũng đã là dấu hiệu của sự lừa đảo vì không một ngành nghề kinh doanh, đầu tư nào lãi suất lớn đến vậy.

Việc đầu tư vào chứng khoán luôn được cảnh báo là hạng mục đầu tư mạo hiểm, dù hứa hẹn khả năng sinh lời cao cho nhà đầu tư. Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), để thực hiện hành vi lừa đảo, ban đầu đối tượng sẽ tạo niềm tin cho người bị hại thông qua các khóa đào tạo đầu tư chứng khoán miễn phí, sau đó lôi kéo vào hội nhóm đầu tư trên mạng xã hội như Facebook, Telegram, Zalo... để theo dõi hoạt động đầu tư của các thành viên khác.

Khi tham gia nhóm, người dùng sẽ thấy các “chuyên gia” đặt lệnh, hoạt động đầu tư nhộn nhịp, sinh lời hấp dẫn. Đây chính là lúc cái bẫy đã được giăng ra.

Đại diện lãnh đạo Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) cho biết, không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào không phải là thành viên của sở giao dịch được nhập lệnh và chuyển lệnh trực tiếp vào sở giao dịch chứng khoán. Một trong những nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán là nguyên tắc trung gian. Các lệnh giao dịch trên thị trường chứng khoán phải được thực hiện qua các công ty chứng khoán. Từ các công ty chứng khoán được truyền lệnh về Sở và thực hiện khớp lệnh.

Nguyên tắc là như vậy, nên người đầu tư ngay từ đầu cần đặt dấu hỏi nghi vấn với các “chuyên gia chứng khoán”, không nên vì những lời dụ dỗ ngon ngọt, nhanh làm giàu để rồi bị “úp sọt”.

Dù các hành vi lừa đảo không mới nhưng vẫn có người mắc bẫy. Loại tội phạm này thường sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram… đánh vào sự thiếu hiểu biết và muốn kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng của một số người.

Do Kwon đã tẩu tán 3.313 Bitcoin khi bị truy bắt

Cựu Chủ tịch HBS Nguyễn Thị Loan lĩnh án 3 năm tù

Chứng khoán HBS sắp trả cổ tức cao kỷ lục, Tổng Giám đốc đăng ký mua 8 triệu cổ phiếu

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lua-dao-chung-khoan-no-ron-cam-bay-dau-tu-o-khap-noi-151073.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lừa đảo chứng khoán nở rộ, cạm bẫy đầu tư ở khắp nơi
    POWERED BY ONECMS & INTECH