Manulife Việt Nam đang có hơn chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, và hơn 7.800 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu.
Sau rất nhiều đơn tố cáo của người dân về vấn đề bảo hiểm, Bộ Tài chính bước đầu đã tiến hành thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm.
Từ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra chuyên đề tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm là: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Kết quả thanh tra cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên...
Do đó Bộ Tài chính cũng cho biết, tới hết năm 2023, theo kế hoạch, sẽ tiến hành thanh tra 10 doanh nghiệp, trong đó 5 doanh nghiệp bảo hiểm, 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Những doanh nghiệp bảo hiểm nào sẽ bị thanh tra tiếp theo, vẫn chờ đợi quyết định từ Bộ Công thương. Cùng điểm qua tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp bảo hiểm thường được nhắc tên thời gian qua.
Manulife Việt Nam là một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có mặt tại Việt Nam từ năm 1999. Liên quan đến Manulife Việt Nam, trước đó Bộ Tài chính cho biết đã nhận được đơn tố cáo các công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB (đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam).
Trước thông tin này, Manulife lên tiếng cho biết đã tiếp nhận thông tin từ khách hàng về trải nghiệm khi tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết có tên "Tâm an đầu tư", được phân phối thông qua SCB nên đã yêu cầu hủy hợp đồng trước hạn. Tại bản thông cáo, Manulife cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý các yêu cầu của khách hàng.
Manulife Việt Nam - lãi đậm gần 2.600 tỷ đồng sau mấy năm thua lỗ
Về tình hình kinh doanh, năm 2022 Manulife Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 26.322 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021.
Lợi nhuận sau thuế bất ngờ đạt 2.562 tỷ đồng, tăng đột biến so với số lỗ 4.741 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2021. Số lãi này cũng đột biến so với tình hình kinh doanh nhiều năm gần đây của Manulife Việt Nam.
Số liệu báo cáo tài chính cho thấy từ 2015 đến nay Manulife Việt Nam mới có 3 năm kinh doanh có lãi, trong đó năm 2022 lãi đột biến 2.562 tỷ đồng; năm 2019 lãi hơn nghìn tỷ đồng và 2016 lãi 372 tỷ đồng. Các năm lỗ, ghi nhận năm 2017 lỗ 993 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 2.177 tỷ đồng; năm 2020 lỗ 1.642 tỷ đồng và 2021 lỗ 4.741 tỷ đồng.
Lãi lớn năm 2022 thì tính đến 31/12/2022 Manulife Việt Nam vẫn còn lỗ lũy kế hơn 5.500 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 16.947 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 22.220 tỷ đồng.
Manulife Việt Nam nhìn từ khoản đầu tư chục nghìn tỷ đồng vào trái phiếu
Tính đến 31/12/2022 Manulife Việt Nam còn gần 22.000 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, tăng gần 7.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó có 840 tỷ đồng “dự phòng cho các khoản đầu tư” vào cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu giao dịch trên Upcom.
Báo cáo ghi nhận tổng giá trị đầu tư vào cổ phiếu của Manulife đến hết năm 2022 hơn 7.875 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Thông thường các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn mang tiền đi đầu tư. Thông thường các doanh nghiệp bảo hiểm chọn những khoản đầu tư có tính an toàn cao như gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ, và một phần nhỏ sẽ đầu tư vào những khoản đầu tư mạo hiểm hơn như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu.
Trong tổng gần 22.000 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn của Manulife, có gần 11.800 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng; hơn 213 tỷ đồng trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh, tương ứng có hơn 12.000 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu chính phủ và gửi ngân hàng, chiếm khoảng 55% tổng giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn.
Các khoản đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp cũng rất lớn. Ngoài khoản đầu tư hơn 7.800 tỷ đồng vào cổ phiếu, Manulife Việt Nam còn có khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp 1.505 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư dài hạn của Manulife đến 31/12/2022 là 62.672 tỷ đồng (tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm). Trong đó đầu tư vào trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh gần 50.500 tỷ đồng, chiếm gần 81% tổng giá trị khoản đầu tư. Thêm gần 2.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng dài hạn. Tuy vậy khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng rất lớn với số dư gần 10.200 tỷ đồng đến cuối năm.
Tổng cộng cả đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn, Manulife đang đổ 11.700 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp.
Đầu tư chục nghìn tỷ đồng vào trái phiếu, báo cáo của Manulife cho biết đến cuối năm 2022 công ty vẫn treo khoản “phải thu lãi trái phiếu” hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp công bố thông tin chậm trả lãi, gốc trái phiếu, những khách hàng của các công ty bảo hiểm luôn có tâm lý lo lắng về những khoản đầu tư của doanh nghiệp. Câu chuyện quay trở lại với việc các doanh nghiệp bảo hiểm đang “ôm” trái phiếu những doanh nghiệp nào?
Manulife Việt Nam nhìn từ trích lập dự phòng 840 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu
Chia tay Manulife, Techcombank (TCB) chi 55 tỷ đồng mở doanh nghiệp bảo hiểm
Phải chi 1.800 tỷ đồng cho Manulife khi chia tay, Techcombank nói gì?