Metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo ‘đội vốn’ thêm 16.000 tỷ đồng, ‘hứa hẹn’ 2029 xong

23-01-2024 08:12|Thảo Đan

Dự án metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008 và ban đầu dự kiến vận hành năm 2015.

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản số 05/TTr-UBND trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Đây là tờ trình thứ hai liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trên được UBND thành phố Hà Nội trình lên Chính phủ trong 6 tháng gần đây.

Trong đó, thành phố đề xuất tổng mức đầu tư dự án gần 35.590 tỷ đồng, tăng hơn 16.030 tỷ đồng, tăng khoảng 82% so với tổng mức được phê duyệt năm 2008. Trong đó, vốn vay ODA sau điều chỉnh hơn 29.670 tỷ đồng, vốn đối ứng của TP. Hà Nội hơn 5.910 tỷ đồng.

Hai hạng mục tăng vốn nhiều nhất là chi phí xây dựng, tăng hơn 6.670 tỷ đồng và chi phí thiết bị tăng hơn 2.750 tỷ đồng. Việc tăng tổng mức đầu tư theo thành phố là do các thay đổi quy mô, tỷ giá quy đổi, biến động về giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công và tiền lương.

Về quy mô xây dựng, Hà Nội đề xuất giữ nguyên chiều dài tuyến đường sắt so với phê duyệt trước đó là 11,5 km, nhưng thay đổi đoạn đi trên cao từ 8,5 lên 8,9 km và đoạn đi ngầm giảm từ 3 xuống 2,6 km. Nguyên nhân là thay đổi phương án đoạn chuyển tiếp từ phần cầu cạn sang hầm, điều chỉnh phạm vi giữa phần trên cao và ngầm.

Bên cạnh đó, đơn vị chủ quản đề xuất giảm từ 14 đoàn tàu xuống 10, diện tích sử dụng đất của dự án từ 49 tăng lên 51ha.

Về thời gian hoàn thành, UBND TP. Hà Nội đề xuất hoàn thành dự án, đưa vào khai thác, vận hành vào năm 2029 và 2 năm tiếp theo sẽ đào tạo vận hành bảo dưỡng.

Về vị trí xây dựng ga ngầm C9 do lo ngại ảnh hưởng di tích hồ Hoàn Kiếm, UBND TP. Hà Nội đề xuất phương án xây dựng ga C9 bên dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội chỉ điều chỉnh vị trí thân ga và điều chỉnh kết cấu sao cho đảm bảo an toàn kỹ thuật trong phạm vi hành lang tuyến.

>> Đề xuất bỏ ga ngầm C9 gần Hồ Gươm

Phương án này không vi phạm vùng bảo vệ của di tích hồ Hoàn Kiếm, không ảnh hưởng đến an toàn công trình văn hóa, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và đã được UBND TP. Hà Nội nghiên cứu cẩn trọng, xin ý kiến thống nhất các bộ, ngành liên quan.

Dự án metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được UBND TP Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 11/2008. Dự án có tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước.Tuyến đường sắt được dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2015, nhưng đến nay, thời gian hoàn thành tuyến vẫn liên tục có sự thay đổi.
Dự án bắt đầu từ Nam Thăng Long (khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra) theo hướng Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc tại điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo. Trên tuyến có 3 nhà ga trên cao, 7 ga ngầm, vị trí khu bảo dưỡng, sửa chữa (Depot) đặt tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.

>> Đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo rút xuống 4 toa, 'đội' vốn thêm 16.000 tỷ sau hơn 14 năm 'ì ạch'

Đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo rút xuống 4 toa, 'đội' vốn thêm 16.000 tỷ sau hơn 14 năm 'ì ạch'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/metro-nam-thang-long-tran-hung-dao-doi-von-them-16000-ty-dong-hua-hen-2029-xong-220915.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo ‘đội vốn’ thêm 16.000 tỷ đồng, ‘hứa hẹn’ 2029 xong
    POWERED BY ONECMS & INTECH