Vĩ mô

Mỗi ngày cả nước phát thải 65.000 tấn rác sinh hoạt

Khúc Văn 28/11/2024 08:20

Chuyên gia cho biết, tổng lượng phát thải rác sinh hoạt cả nước hiện nay là 65.000 tấn/ngày. Khoảng 30% lượng rác này được đốt, phát thải gần 10 triệu tấn CO2 mỗi năm, còn 70% chôn lấp phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Mục tiêu Net Zero là khả thi

Theo UNEP (Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc), kinh tế xanh được định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái.

Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội.

Việt Nam và toàn thế giới đều đang hướng tới mục tiêu Net Zero
Vốn xanh vẫn còn khá khiêm tốn, mới chiếm 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển cho biết, có nhiều chuyên gia cả trong nước và quốc tế tỏ vẻ ngạc nhiên khi Việt Nam cam kết tại COP 26 sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng - netzero vào năm 2050, trong khi không ít quốc gia khác có trình độ phát triển kinh tế ngang tầm với chúng ta đẩy mốc netzero lùi về 2060.

"Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi nếu chúng ta tập trung huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là trí lực", ông Đông nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này phân tích, tổng lượng phát thải rác sinh hoạt cả nước hiện nay là 65.000 tấn/ngày. Khoảng 30% lượng rác này được đốt, phát thải gần 10 triệu tấn CO2 mỗi năm, còn 70% chôn lấp phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Mặc dù, các doanh nghiệp Việt Nam đã sở hữu công nghệ khí hóa chất thải rắn (bao gồm rác thải sinh hoạt) hầu như không phát thải CO2 (75kg CO2/1 tấn rác).

Hơn nữa, chi phí xử lý chỉ bằng một nửa so với công nghệ đốt rác phát điện, do không cần bù lỗ qua giá bán điện cao (10,05 cents USD/1kWh). Với công nghệ này, Việt Nam có thể quy hoạch các nhà máy xử lý rác phân tán ở cấp quận, huyện, thay vì xây dựng các nhà máy quy mô lớn hàng ngàn tấn.

Song, cũng theo ông Đông, việc quy hoạch nhà máy đốt rác quy mô lớn (5.000 tấn/ngày) sẽ gây ra "vết chân carbon rất dài" (carbon footprint) do chi phí vận chuyển rác thải khổng lồ ước tính 4-5 chục triệu km xe chạy trên thành phố mỗi năm.

Do đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra đề xuất Việt Nam cần bắt đầu bằng việc quy hoạch đô thị ưu tiên giao thông công cộng, hạn chế giao thông cá nhân, hạn chế dần và đi đến cấm xe chạy xăng, dầu trong đô thị. Việc quy hoạch nhà máy xử lý rác thải đô thị theo mô hình phân tán, ứng dụng công nghệ khí hóa, sẽ giúp giảm phát thải hàng trăm triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.

Việc quy hoạch kiến trúc các khu đô thị ứng dụng công nghệ tiên tiến để giảm tiêu thụ điện năng và gián tiếp giảm phát thải CO2. Ví dụ, tính toán hướng gió, hướng mặt trời hợp lý có thể giảm 2-3 độ C vi khí hậu đô thị, tương đương với việc giảm hàng tỷ kWh điện dùng cho điều hòa. Hay, ứng dụng công nghệ làm mát trung tâm cho cả khu phố, khu đô thị có thể giảm 40-50% lượng điện tiêu thụ so với điều hòa độc lập.

Việc quản lý quy hoạch, giao thông, chất thải rắn, nước thải với những công nghệ hiện hữu sẽ góp phần giảm hàng trăm triệu tấn CO2 mỗi năm.

“Trên cơ sở đó, Việt Nam có cơ sở để tin tưởng rằng mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết quốc tế là khả thi”, ông Đông nói.

Đẩy mạnh tham gia vào thị trường “ hàng chục nghìn tỷ USD”

Bên cạnh công nghệ, tài chính xanh cũng là trụ cột quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết thị trường tài chính xanh toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn tỷ USD được đầu tư vào các dự án bền vững.

Theo ông Lực, Việt Nam đang tích cực tham gia vào thị trường tài chính xanh toàn cầu, tuy nhiên, sự phát triển này còn gặp nhiều thách thức.

Mỗi ngày cả nước phát thải 65.000 tấn rác sinh hoạt
Đẩy mạnh tham gia vào thị trường “ hàng chục nghìn tỷ USD”.

Cụ thể, trong khi thị trường toàn cầu chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng, với tổng dư nợ trái phiếu bền vững đạt 4,16 nghìn tỷ USD vào năm 2023 và 807 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam mới đạt được những bước tiến ban đầu.

Tổng dư nợ tín dụng xanh tính đến tháng 9/2024 là 665 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,5% tổng dư nợ) và dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,2 triệu tỷ đồng (hơn 22% tổng dư nợ).

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh vẫn còn khiêm tốn (khoảng 1,52 tỷ USD từ năm 2019 đến tháng 10/2024), việc áp dụng tiêu chuẩn ESG và chỉ số VNSI vẫn chưa phổ biến.

Những thách thức chủ yếu bao gồm sản phẩm tài chính xanh thiếu đặc thù, khung pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chuyên gia thẩm định rủi ro, thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi, độ lệch thời hạn giữa dự án dài hạn và nguồn vốn ngắn hạn, cùng với nhận thức thị trường về ESG còn thấp.

Để thúc đẩy phát triển tài chính xanh, ông Lực đề xuất các giải pháp toàn diện như ban hành danh mục "phân loại xanh", cơ chế đánh giá tác động môi trường, chính sách hỗ trợ tài chính (thuế, phí, lãi suất, quỹ chuyển đổi xanh), thu hút đầu tư tư nhân, xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh (mô hình 5Is), thành lập thị trường tín chỉ carbon, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu.

“Việt Nam cần xây dựng quỹ tái cấp vốn, quy trình thẩm định chuyên biệt và đào tạo cán bộ. Chứng khoán xanh cũng cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát hành và tăng cường tuyên truyền. Mặt khác, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là mục tiêu quan trọng để thu hút đầu tư quốc tế”, ông Lực đề xuất.

>>Với 1ha lúa giảm phát thải, nông dân Đắk Lắk thu thêm được 1,5 triệu đồng

Đón dòng vốn tỷ đô từ Trung Quốc, Thái Lan dẫn đầu cuộc đua xe điện ở Đông Nam Á

Ngân hàng ACB: Từ hai lần bị rút tiền ồ ạt đến top 3 huy động vốn toàn thị trường

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/moi-ngay-ca-nuoc-phat-thai-65000-tan-rac-sinh-hoat-262449.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mỗi ngày cả nước phát thải 65.000 tấn rác sinh hoạt
    POWERED BY ONECMS & INTECH