Đây là nơi người Tày sinh sống lâu đời với bề dày truyền thống, trở thành điểm đến lý tưởng để bạn trải nghiệm các bản sắc văn hóa địa phương.
Khoảng 10 năm trở lại đây, cái tên làng Quỳnh Sơn luôn được du khách ưa khám phá ước ao đặt chân tới. Ngôi làng không ở chốn thâm sơn cùng cốc mà tọa lạc ngay giữa thung lũng Bắc Sơn (xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), khí hậu quanh năm mát mẻ.
Ở đây, dân cư chủ yếu là người Tày sinh sống lâu đời và có đến 90% mang họ Dương. Theo thống kê, hiện nay làng có hơn 400 hộ gia đình với khoảng 1.800 người. Làng bắt đầu đi vào hoạt động dưới tên làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn từ năm 2010.
Điểm đặc biệt hơn cả ở làng Quỳnh Sơn là nơi đây sở hữu hơn 400 ngôi nhà sàn có kiến trúc đồng nhất, cùng lợp ngói âm dương, lưng tựa vào dãy núi đá vôi và tất cả cùng quay về một hướng, đó là hướng Nam. Nếu chỉ nhìn qua, du khách sẽ rất dễ nhầm lẫn rằng mọi ngôi nhà đều giống nhau như đúc. Tuy nhiên, để ý kỹ thì từng ngôi nhà vẫn sẽ có những điểm khác biệt nhất định trên cửa nhà, tường nhà hay hàng hiên.
Nói về nguyên nhân dân làng đều xây nhà quay về hướng Nam, một số người bản địa cho biết, người xưa có câu "Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam". Vì vậy, người dân mong muốn có một cuộc sống no đủ, êm ấm nên cứ như vậy từ bao đời nay, tất cả nhà sàn trong làng đều cùng quay về một hướng. Hướng Nam từ làng nhìn ra cũng là cánh đồng Bắc Sơn trù phú, điểm tô thêm dòng suối trong xanh uốn lượn, vì vậy tạo nên khung cảnh non nước rất hữu tình.
Nhà sàn của người Tày ở xã Quỳnh Sơn có kết cấu thường là 3 gian 2 chái, chủ yếu được làm bằng gỗ nghiến, gỗ lý xưa. Gian giữa dùng để thờ cúng tổ tiên, còn 2 gian ngoài dùng để gia chủ tiếp khách, 2 chái bên cạnh dùng làm phòng ngủ. Nhà sàn thường có 9 bậc cầu thang để dẫn lên tầng 2. Bên cạnh đó, toàn bộ nhà sàn của người Tày nơi đây đều được lợp ngói âm dương, đem lại không khí mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Giữa làng có cây đa cổ thụ kỳ lạ ước chừng hàng nghìn năm tuổi. Nói kỳ lạ vì gốc của cây đa đã mục ruỗng nhưng nó lại rất xanh tốt nhờ hai rễ phụ to bằng vòng tay người ôm.
Đến với làng Quỳnh Sơn, du khách không thể bỏ qua hệ thống Di tích lịch sử văn hóa bao gồm đình Quỳnh Sơn - ngôi đình thờ Quý Minh Đại Vương với tuổi thọ hàng trăm năm; cầu Rá Riềng - nơi ghi dấu ấn chiến công quân và dân ta đánh giặc, góp phần làm nên chiến thắng Khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940.
Ngôi làng này còn có hẳn một đội văn nghệ đàn tính hát dân ca. Đến đây bạn sẽ được thưởng thức những giai điệu then đằm thắm, trữ tình cùng tiếng đàn tính mộc mạc, réo rắt do các cô gái, chàng trai trong làng biểu diễn.
Bên cạnh đó, du khách có thể lưu trú tại chính những căn nhà sàn của người Tày, ăn những món ăn đặc sản như bánh chưng đen, phở chua, thịt tái, xôi cẩm và tham gia vào quá trình con người nơi đây sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, cứ mỗi dịp 12, 13 tháng Giêng, ở làng Quỳnh Sơn lại tổ chức lễ hội Lồng Tồng hay còn được hiểu là hội xuống đồng, nhằm cầu mong mùa màng tốt tươi. Trong những ngày diễn ra lễ hội, một loạt các hoạt động như ném còn, đánh đu, hát ví, hát Then, múa Tán Đàn... sẽ được tổ chức, đưa du khách đến gần với văn hóa truyền thống miền Đông Bắc hơn bao giờ hết.
Nhờ có hướng phát triển đúng đắn theo mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, hiện nay làng Quỳnh Sơn hay thung lũng Bắc Sơn dần được du khách biết tới và yêu thích, như một điểm đến để "trốn" khỏi sự xô bồ của thành thị tấp nập ngoài kia. Người dân bản địa cũng có thêm thu nhập và có cơ hội thể hiện những nét đẹp truyền thống cho du khách thập phương.