Ngôi trường tiểu học nữ sinh đầu tiên tại Hà Nội: Lịch sử hình thành gần 120 năm tuổi với kiến trúc Đông - Tây độc đáo, trở thành trường THCS giữa trung tâm Thủ đô
Đây không chỉ là trường tiểu học nữ sinh đầu tiên của Hà Nội mà còn trở thành ngôi trường THCS đầu tiên trên đất Thủ đô.
Kiến trúc Pháp nhưng mang đậm màu sắc bản địa
Trường nữ sinh Tiểu học Pháp - Việt khai giảng lớp học đầu tiên vào ngày 6/1/1908 với 178 học sinh. Hai năm sau ngày 12/8/1910, theo đề nghị của Thống sứ Bắc Kỳ, Phủ toàn quyền Đông Dương đồng ý để ngôi trường chính thức mang tên nhà viết kịch người Pháp Brieux.
Việc thay đổi và cải tạo trường Brieux được nhà thầu Pées và Chazeau thực hiện năm 1912 và hoàn thành năm 1913. Năm 1926 công trình được mở rộng theo bản vẽ của Charles Lichtenfelder, kiến trúc sư, Chánh Sở Nhà cửa dân sự.
Kiến trúc trường Brieux chịu ảnh hưởng của phong cách Heebra, có sự kết hợp sáng tạo, hài hòa của kiến trúc hiện đại Pháp với những yếu tố kiến trúc truyền thống bản địa, tạo thành tổ hợp kiến trúc phù hợp với môi trường tự nhiên và xã hội phương Đông.
Theo bản vẽ của Charles Lichtenfelder năm 1923, ô tròn trong ảnh này là chỗ đặt đồng hồ. Ngày nay, chiếc đồng hồ đã không còn, chỉ sót lại dấu ấn phương Đông rõ nét là lưỡng long đắp vẩy sành.
Gỡ bỏ định kiến “con gái học chữ chỉ để cãi chồng”
Đầu thế kỷ 20, dù đã có chữ quốc ngữ nhưng con gái Hà Nội vẫn không được cha mẹ cho đi học vì quan niệm “con gái học chữ chỉ để cãi chồng”. Tuy nhiên, chuyện học hành của con gái Hà Nội bắt đầu thay đổi khi cụ cử Lương Văn Can cùng các cộng sự là trí thức Nho học, Tây học mở trường “Đông Kinh nghĩa thục” ở phố Hàng Đào năm 1907. Trường dạy chữ quốc ngữ, chữ Hán, tiếng Pháp, văn học... với mục đích khai dân trí cho nhiều đối tượng, trong đó có lớp dành cho phụ nữ.
Sau khi dập tắt “Đông Kinh nghĩa thục”, cùng với mở các trường tiểu học dành cho học sinh nam, chính quyền Pháp ở Hà Nội cũng mở trường học dành cho học sinh nữ. Việc chính quyền Pháp mở trường dành riêng cho nữ ngoài lý do học sinh nữ có môn học riêng thì còn lý do theo quan niệm trong xã hội lúc đó “nam nữ thụ thụ bất thân”.
178 học sinh nữ ban đầu của trường “École Brieux” Hàng Cót không phải do các gia đình tự nguyện cho con đi học mà vì bị bắt buộc. Khi đó đã có chính sách, trẻ con cả trai và gái đến tuổi đi học mà không đến trường thì trưởng phố phải chịu trách nhiệm.
Vậy nên nhiều trưởng phố phải “nộp trẻ” cho trường bất chấp sự phản ứng của cha mẹ. Mục đích việc cưỡng bức đi học của chính quyền Pháp không phải là khai hóa văn minh cho dân chúng thuộc địa mà phục vụ cho mục đích cai trị của họ. Nhưng việc gì cũng có tính hai mặt, khi nhiều người biết chữ quốc ngữ và tiếng Pháp, họ có cơ hội mở mang tri thức, từ đó đấu tranh đòi quyền cho bản thân và cho dân tộc.
Tuy bị cưỡng bức, song việc học đã mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội. Một số học sinh khóa đầu của trường “École Brieux” Hàng Cót đã can đảm theo học lớp đỡ đẻ của Trường Y khoa Hà Nội. Khi tốt nghiệp, người vào làm việc ở bệnh viện công, số khác mạnh dạn mở phòng hộ sinh tư góp phần hạn chế trẻ sơ sinh ở Hà Nội tử vong vì đẻ tại gia đình theo truyền thống. Cũng có các cô đi học cao đẳng sư phạm để trở thành giáo viên dạy chữ quốc ngữ và nữ công gia chánh.
Trở thành trường THCS đầu tiên trên đất Hà Nội
Năm 1948, trường Brieux được đổi tên thành Thanh Quan, tên nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh hay thường được gọi là bà Huyện Thanh Quan. Năm 1958, trường Thanh Quan có tên là trường phổ thông cấp I - II dành cho cả nam và nữ học chung. Đây cũng là dấu mốc đặc biệt của giáo dục Thủ đô khi trường Thanh Quan trở thành trường THCS đầu tiên trên đất Hà Nội.
Năm 1964 – 1965, khi đế quốc Mỹ đánh bom phá hoại miền Bắc trường đã đi sơ tán tại Thạch Thất – Hà Tây. Trong những năm chống Mỹ, trường kết nghĩa với trường số 92: Sophia- Bungari. Năm 1972, trường kết nghĩa với tổng cục hậu cần - Tổng cục chính trị. Năm 1980 trường có tên là PTCS Thanh Quan ( hệ 9 năm). Năm 1996 chính thức mang tên THCS Thanh Quan. 6/2003 trường chuyển về địa điểm cũ (29 phố Hàng Cót) và mang lại tên THCS Thanh Quan
Hiện nay, trường THCS Thanh Quan có diện tích hơn 3.200m2, với trên 20 phòng học và các phòng chức năng, là trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên trong khối THCS của quận Hoàn Kiếm.
Phòng học gần 120 năm vẫn sử dụng tốt. Hiện trường có hơn 1.000 học sinh. Hành lang với nhiều hệ cửa để lấy sáng đặc trưng của kiến trúc Pháp. Dù không còn giữ được nguyên bản các song sắt, cánh cửa sổ 2 lớp… nhưng kết cấu, vị trí vẫn theo nguyên mẫu của kiến trúc sư Charles Lichtenfelder.
Trải qua gần 120 năm xây dựng và phát triển, Trường nữ sinh tiểu học Brieux xưa và THCS Thanh Quan nay đã có nhiều thay đổi về cơ cấu, phương pháp, hình thức giáo dục. Nhưng dấu ấn kiến trúc của ngôi trường thời Pháp thuộc vẫn còn in đậm.