Nhà đầu tư 'đổ xô' gom HPG, 22 triệu cổ phiếu khớp lệnh giá trần sau tin áp thuế chống bán phá giá thép HRC
Tâm điểm của phiên giao dịch hôm nay chính là HPG, khi cổ phiếu này gần như “cháy hàng” ngay khi mở cửa.
Phiên giao dịch ngày 24/2 mở màn với cú tăng tốc ngoạn mục của nhóm cổ phiếu thép, khiến thị trường chứng khoán trở nên sôi động ngay từ những phút đầu. Hàng loạt mã cổ phiếu như Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG), VNSteel (TVN), Tôn Đông Á (GDA)… đồng loạt bứt phá mạnh mẽ.
Diễn biến xảy ra sau khi Bộ Công Thương áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ Trung Quốc.
Tâm điểm của phiên giao dịch chính là HPG, khi cổ phiếu này gần như “cháy hàng” ngay khi mở cửa. Hơn 22 triệu cổ phiếu được khớp lệnh ngay lập tức, đưa giá HPG lên kịch trần 28.300 đồng/cổ phiếu, phản ánh tâm lý hưng phấn mạnh mẽ từ nhà đầu tư.
Cụ thể, vào ngày 21/2/2025, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 460/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là từ 19,38% đến 27,83%.
Tập đoàn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh là 2 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất thép HRC hiện nay, với tổng công suất 8,6 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu nội địa đạt 13 triệu tấn/năm. Việc bù đắp lượng thép HRC thiếu hụt là cần thiết, tuy nhiên, thép HRC Trung Quốc giá rẻ hơn đáng kể đã chiếm phần lớn thị phần nội địa, gây sức ép lên 2 doanh nghiệp trong nước.
Formosa Hà Tĩnh báo lỗ 615 triệu USD trong năm 2023 do phải hạ giá để cạnh tranh. Trong khi đó, Hòa Phát tìm đường xuất khẩu trong bối cảnh nhiều nước đang thiết lập hàng rào thuế quan để bảo vệ thị trường nội địa.
Báo cáo phân tích trước đó của VNDirect Research nhận định, nếu việc áp thuế chống bán phá giá xảy ra, thời điểm đó sẽ trùng với giai đoạn dự án Hòa Phát Dung Quất 2 đi vào vận hành, giúp lấp đầy khoảng trống thiếu hụt HRC tại Việt Nam. Hiện tại, "quả đấm thép" 85.000 tỷ đồng của tỷ phú Trần Đình Long đã sẵn sàng vận hành trong quý I/2025. Dự án có công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm.
Theo báo cáo của BSC Research, việc áp thuế thép HRC Trung Quốc sẽ giúp Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh tăng sản lượng thêm 1,5-3 triệu tấn/năm, tương đương mức tăng 20-30% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2025-2026.