Nhà máy ngưng hoạt động, nông dân trồng mía như 'ngồi trên lửa'

14-11-2023 06:11|Trần Tuyên

Sau khi nhà máy đường Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) ngừng hoạt động, nông dân trồng mía như "ngồi trên đống lửa" vì giá mía liên tục lao dốc, đứng trước nguy cơ thiệt hại kép.

Vừa qua, CTCP Mía đường Cần Thơ đã chọn “kịch bản” lỗ hơn 26 tỷ đồng, quyết định tạm dừng sản xuất năm 2023-2024 đối với Nhà máy đường Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang). Lý do dẫn tới việc tạm ngưng hoạt động được cho là nguyên liệu mía thiếu hụt trầm trọng, khi người dân ưu tiên bán mía ra ngoài với giá cao.

Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, tới thời điểm hiện tại, nông dân tại các vùng trồng mía trên địa bàn đã thu hoạch hơn 2.000ha trong tổng số hơn 3.200ha mía xuống giống (phân bổ chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và TP Ngã Bảy). Như vậy, diện tích mía của nông dân chưa thu hoạch hiện còn khoảng 1.000ha.

Nông dân Nguyễn Văn Hiếu (ngụ xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp), cho biết vụ mía đường thường trồng 10-12 tháng mới thu hoạch. Tuy nhiên, khoảng mấy năm trở lại đây, giá mía đường bấp bênh, thay vì bán cho nhà máy, người dân ưu tiên bán mía chục (làm nước giải khát).

“Thời gian chăm sóc mía chục ngắn, chỉ rơi vào khoảng 5-6 tháng có thể bán rồi, đỡ rất nhiều chi phí. Bán mía chục được giá nhưng phụ thuộc vào thương lái nên dễ bị ép giá”, ông Hiếu cho hay.

mia hau giang.jpg
Giá mía bấp bênh, đầu ra không ổn định khiến nông dân xứ mía không còn mặn mà với loại cây trồng này.

Lo lắng vì giá mía sụt giảm nhanh, nông dân Nguyễn Văn Tiến (ngụ xã Tân Phước Hưng) như "ngồi trên đống lửa" bởi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.

Theo ông Tiến, vào giữa tháng 10 vừa qua, thương lái đến tận ruộng thu mua mía chục với giá 2.300-2.500 đồng/kg, nhưng thời điểm hiện tại chỉ còn 1.100-1.200 đồng/kg. Trong khi đó, một số thương lái thu mua mía nguyên liệu để bán cho nhà máy đường ở Trà Vinh cũng chỉ dưới 1.000 đồng/kg.

Nhiều nông dân ở huyện Phụng Hiệp cũng phản ánh, đối với những ruộng mía đã đặt với giá cao trước đây thì thương lái yêu cầu giảm giá mới thu mua hoặc sẵn sàng bỏ tiền cọc (từ 10-20 triệu cho sản lượng mía 50-100 tấn). 

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp thương lái cho nhân công vào ruộng mía của người dân thu hoạch một phần rồi bỏ đi. Sau đó các ruộng mía này rất khó có người mua, bà con đành phải giảm giá.

Điều nông dân lo ngại hơn là với tình hình thu hoạch mía như hiện nay thì phải mất 2-3 tháng nữa mới đốn hết diện tích mía còn lại. Khi đó, những ruộng mía thu hoạch trễ sẽ phải đối mặt với tình trạng mía trổ cờ trắng đồng, gây thiệt hại kép cho nông dân.

nha may duong 2.jpg
Nhà máy đường ngưng hoạt động, nông dân trồng mía lao đao vì giá liên tục giảm. Ảnh: A.H

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), cho biết mấy năm nay người dân tập trung trồng để bán mía chục nên thu hoạch quanh năm, cho năng suất bình quân 60 tấn/ha. 

“Giá mía đang sụt giảm mạnh khiến bà con mất lãi lớn. Thương lái đồng loạt ép giá sau thông tin nhà máy đường Phụng Hiệp quyết định ngưng hoạt động”, ông Tuấn chia sẻ.

Giá mía bấp bênh, đầu ra không ổn định khiến nông dân xứ mía không còn mặn mà với loại cây trồng này.

Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, diện tích mía năm nay giảm gần 15% so với cùng kỳ. Nhiều hộ trồng mía phá bỏ thế độc canh, chuyển đổi sang trồng cây rau màu và cây lâu năm nhằm cải thiện thu nhập. 

Hoa hậu ‘độc nhất vô nhị’ của Việt Nam sở hữu biệt thự 1.000m2 như cung điện, phòng khách chứa được cả trăm người

Tỉnh trẻ nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long sắp có khu đô thị mới hơn 4.300 tỷ

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nha-may-ngung-hoat-dong-nong-dan-trong-mia-nhu-ngoi-tren-dong-lua-2214354.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhà máy ngưng hoạt động, nông dân trồng mía như 'ngồi trên lửa'
    POWERED BY ONECMS & INTECH