Vĩ mô

Nhà nước mở đường cho tư nhân tham gia dự án đường sắt

An Chi 28/05/2025 14:47

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) bổ sung quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua hình thức hợp đồng BT, BOT.

Tiếp tục nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 27/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), trong đó có nhiều điểm mới mang tính đột phá về thể chế cho phát triển đường sắt.

Khuyến khích tư nhân tham gia dự án đường sắt

Tại dự thảo Luật Đường sắt, Chính phủ đề xuất bổ sung hàng loạt quy định để huy động tối đa nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt. Trong đó, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, có quy định về việc khuyến khích tất cả tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua nhiều hình thức hợp đồng (BT, BOT, BTO, BLT, BTL...).

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt được phép áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, đặt hàng để lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ, hàng hóa. Doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này sẽ được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ; đồng thời được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ.

Nhà nước mở đường cho tư nhân tham gia dự án đường sắt
Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh. Ảnh: Quốc hội

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, việc bổ sung các quy định này là giải pháp đột phá nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến trình đầu tư, hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM vào năm 2035.

Đánh giá về dự thảo, GS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng, đường sắt là hạ tầng giao thông xương sống, là tài sản quốc gia. Do đó, từ trước đến nay, đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt chủ yếu theo hình thức đầu tư công hoặc đầu tư đối tác công tư (PPP), chưa có quy định về đầu tư tư nhân cho các công trình mang tính xương sống trong hệ thống hạ tầng. Mặt khác, chưa có các quy định riêng để ràng buộc những công trình này phải được đầu tư bởi các nhà đầu tư trong nước, sử dụng những thiết bị sản xuất trong nước để khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư và nội địa hóa ngành công nghiệp sản xuất các vật liệu, thiết bị phục vụ công trình giao thông đường sắt.

Trong bối cảnh một số doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam như VinSpeed, Tập đoàn Trường Hải (THACO) đang đề xuất được tham gia làm dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Cường đánh giá “đây là tín hiệu đáng mừng”. Bởi khi nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia sẽ tạo cơ hội cho Chính phủ xem xét, lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, đủ khả năng làm chủ dự án. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này khi triển khai dự án sẽ phải tính đến lợi thế của các nhà đầu tư đối thủ, huy động họ trở thành một mắt xích trong hệ sinh thái. Do vậy, ông đồng tình với đề xuất bổ sung các quy định để mở ra cơ hội cho nhà đầu tư trong nước được quyền tham gia.

Doanh nghiệp tư nhân tham gia nhưng vẫn do Nhà nước kiểm soát

Theo ý kiến của Đại biểu đoàn Hà Nội, mặc dù là đầu tư tư nhân thì vẫn phải tuân thủ yêu cầu của Nhà nước. Ông cho rằng, công trình do tư nhân đầu tư vẫn là công trình mang tính trọng điểm quốc gia, nằm trong kiểm soát của Nhà nước, là tài sản được Nhà nước quản lý, do Nhà nước chi phối và điều hành. “Như vậy sẽ không còn sự lo ngại cho tư nhân đầu tư sẽ biến thành tài sản riêng”, ông nói.

Để hạn chế rủi ro khi Nhà nước cho vay hoặc bảo lãnh cho vay để doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng, cần có cơ chế giám sát dòng tiền đi về đâu, giải ngân vào việc gì, có đúng phục vụ cho dự án đường sắt hay lợi dụng để đưa vào lĩnh vực khác.

Thậm chí, theo ông, Nhà nước có thể giải ngân vốn chậm hơn, yêu cầu doanh nghiệp ứng trước một khoản 20-30% trong đặt hàng, giao kết với nhà cung cấp nhập thiết bị, công nghệ phục vụ dự án, khi hàng sẵn sàng chuyển về, Nhà nước sẽ thanh toán phần còn lại.

“Dự án đi vào vận hành thuộc quyền quyết định của Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân không được quyền phá, đóng cửa và phải tuân thủ các điều kiện đặt ra, nếu không sẽ mất quyền vận hành. Khi đó, Nhà nước sẽ thu hồi và giao cho doanh nghiệp khác tham gia thực hiện”, ông Cường nói.

>>Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp được tham gia kiến tạo cùng đất nước

Tài sản thu hồi từ vụ Trương Mỹ Lan có thể xây dựng một nửa tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Muốn tự bỏ vốn làm đường sắt cao tốc 67 tỷ USD thay Nhà nước và chấp nhận xác suất lỗ 98%, THACO đề xuất cơ chế gì?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nha-nuoc-mo-duong-cho-tu-nhan-tham-gia-du-an-duong-sat-291121.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Nhà nước mở đường cho tư nhân tham gia dự án đường sắt
    POWERED BY ONECMS & INTECH