Nhìn lại cú sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers: Liệu Silicon Valley có lặp lại lịch sử?

11-03-2023 17:24|Hoàng Yến

Sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley khiến nhiều người lo ngại một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong hệ thống tài chính Mỹ giống như sau vụ Lehman Brothers hồi năm 2008.

Ngân hàng Lehman Brothers đệ đơn phá sản vào ngày 15 tháng 9 năm 2008. Vào thời điểm sụp đổ, Lehman là ngân hàng đầu tư lớn thứ tư tại Mỹ với 25.000 nhân viên trên toàn thế giới. Họ có 639 tỷ USD tài sản và 613 tỷ USD nợ phải trả.

Sự sụp đổ của Lehman Brothers đã trở thành biểu tượng của Cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008, quét qua các thị trường tài chính trên thế giới và gây thiệt hại ước tính khoảng 10 nghìn tỷ USD cho sản lượng kinh tế bị mất.

le.jpeg
Sự sụp đổ của Lehman Brothers được coi là biểu tượng của Cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008.

Nguồn cơn của sự sụp đổ

Câu chuyện sụp đổ của Lehman Brothers phải được kể từ những năm 2003 và 2004, khi bong bóng nhà đất ở Mỹ đang diễn ra tốt đẹp, Lehman đã mua lại 5 công ty cho vay thế chấp cùng với BNC Mortgage và Aurora Loan Services, chuyên cung cấp các khoản vay Alt-A - các khoản vay được thực hiện cho người đi vay mà không có giấy tờ đầy đủ.

Lúc đầu, hoạt động kinh doanh bất động sản của Lehman giúp doanh thu trên thị trường vốn tăng 56% từ năm 2004 đến năm 2006. Công ty đã báo cáo lợi nhuận kỷ lục hàng năm từ năm 2005 đến năm 2007. Điển hình là năm 2007, họ đã công bố 4,2 tỷ USD thu nhập ròng trên 19,3 tỷ USD doanh thu. Thậm chí, vào tháng 2 năm 2007, giá cổ phiếu của Lehman đạt mức cao kỷ lục 86,18 USD/cổ phiếu, mang lại giá trị vốn hóa thị trường gần 60 tỷ USD.

Tuy nhiên, đến hết quý đầu tiên của năm 2007, những rạn nứt trên thị trường nhà ở Mỹ đã trở nên rõ ràng, các khoản nợ thế chấp dưới chuẩn bắt đầu tăng lên mức cao nhất trong bảy năm.

Cổ phiếu của Lehman giảm mạnh khi cuộc khủng hoảng tín dụng nổ ra vào tháng 8 năm 2007, với sự thất bại của hai quỹ đầu cơ Bear Stearns. Trong tháng đó, công ty đã loại bỏ 1.200 công việc liên quan đến thế chấp và đóng cửa công ty con BNC và văn phòng của công ty cho vay Alt-A Aurora ở ba bang.

lehman-brother.jpeg
Nhân viên Lehman Brothers thu dọn đồ đạc sau khi ngân hàng tuyên bố phá sản.

Sai lầm do chiến lược?

Vào năm 2007, Lehman đã phát hành nhiều chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác, tích lũy danh mục đầu tư 85 tỷ USD, cao gấp bốn lần vốn chủ sở hữu của cổ đông.

Trong quý 4/2007, cổ phiếu của Lehman tăng trở lại khi thị trường chứng khoán toàn cầu đạt mức cao mới và giá tài sản thu nhập cố định tạm thời phục hồi. Đây là cơ hội để Lehman Brothers cắt giảm danh mục đầu tư khổng lồ của họ và giải phóng vốn để phòng trường hợp thị trường thế chấp gặp vấn đề. Theo đó, họ có thể đầu tư vào các lĩnh vực khác, tuy vậy Lehman Brothers vẫn giữ danh mục đầu tư của mình, thậm chí đầu tư nhiều hơn vào thị trường thế chấp.

Tỷ lệ đòn bẩy của Lehman Brothers vào năm 2007 lên đến mức cao nhất là 31. Cùng với danh mục thế chấp khổng lồ của mình, khiến cho công ty ngày càng dễ bị tác động trước bất kỳ sự thay đổi nào trên thị trường.

Vào tháng 3/2008, Bear Stearns tiếp tục khó khăn, niềm tin vào Lehman ngày càng mất dần, dẫn đến giá cổ phiếu giảm hơn 40%. Mặc dù công ty đã cố gắng nâng cao niềm tin bằng cách huy động 4 tỷ USD nhưng các nhà đầu tư ngày càng lo lắng về quy mô danh mục đầu tư rủi ro cao của công ty.

Vào tháng 6/2008, Lehman đã ghi nhận khoản lỗ trong quý thứ hai là 3 tỷ USD, nhưng họ đã cố gắng giữ được niềm tin ở mức cao bằng cách huy động 6 tỷ USD thông qua các nhà đầu tư. Lúc này tổng thanh khoản đã tăng lên ước tính 45 tỷ USD, giảm tổng tài sản xuống 147 tỷ USD, giảm tỷ lệ vay thế chấp nhà ở và thương mại xuống 20%, đồng thời giảm tỷ lệ đòn bẩy từ hệ số 32 xuống còn khoảng 25. Tuy nhiên, các biện pháp này được cho là quá ít và quá muộn.

Sự sụp đổ thực sự

Vào ngày 22/08/2008, cổ phiếu của Lehman đóng cửa tăng 5% (tăng 16% trong tuần đó),do có thông tin cho rằng Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (Korea Development Bank) đang xem xét mua lại ngân hàng này. Tuy vậy Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc lại gặp khó khăn trong việc làm hài lòng các cơ quan quản lý và thu hút các đối tác. Vào ngày 09/09/2008, cổ phiếu của Lehman đã giảm 45% xuống còn 7,79 USD.

Điều này khiến cho quỹ đầu cơ của công ty rút vốn ra ngoài, trong khi các chủ nợ ngắn hạn của công ty cắt hạn mức tín dụng. Vào ngày 10/09/2023, Lehman đã sớm công bố kết quả tài chính quý 3 gây sốc với tình trạng tài chính vô cùng yếu kém.

Moody’s Investor Service, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm nổi tiếng cũng đã giáng cho công ty một đòn khác khi thông báo rằng họ đang xem xét xếp hạng tín dụng của Lehman. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng khẳng định rằng Lehman sẽ phải bán phần lớn cổ phần cho đối tác chiến lược để tránh bị hạ xếp hạng. Những diễn biến này đã khiến cổ phiếu của Lehman Brothers sụt giảm 42% vào ngày 11/09/2008 và sau đó là 93% vào ngày 12/09/2008.

Nhìn lại cú sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers - ‘Vết dầu loang’ từng khiến hệ thống tài chính toàn cầu hỗn loạn - Ảnh 2.

Với 1 tỷ USD tài sản thanh lý còn lại, ngân hàng lớn thứ 4 nước Mỹ vào thời điểm đó đã đi vào bế tắc. Những nỗ lực cuối cùng vào ngày 13/09/2023 giữa Lehman Brothers, Barclays PLC và Bank of America, nhằm tìm cách tiếp quản Lehman, đã không thành công. Vào ngày 15/09/2008, Lehman tuyên bố phá sản.

Điều gì đã xảy ra sau khi Lehman Brothers phá sản?

Sự sụp đổ của Lehman đã làm chao đảo các thị trường tài chính toàn cầu trong nhiều tuần, dựa trên quy mô và vị thế của họ ở Mỹ và trên toàn cầu.Thị trường tài chính bị nhấn chìm bởi cơn “Đại hồng thủy” và gây thiệt hại ước tính khoảng 10 nghìn tỷ USD cho sản lượng kinh tế bị mất.

Cụ thể, việc Lehman Brothers đệ đơn phá sản vào ngày 15/09/2008 đã khiến chỉ số Dow Jones giảm hơn 500 điểm (-4,4%). Đây cũng là ngày giảm mạnh nhất kể từ khi thị trường mở cửa trở lại sau ngày 11/09/2001. Chỉ số Nasdaq tụt 81,36 điểm (3,6%) xuống còn 2.179,91 điểm và chỉ số S&P 500 cũng tụt 59 điểm (4,71%) xuống còn 1.192,70 điểm.

Ngay trong ngày 15 và 16/9, do ảnh hưởng dây chuyền, tất cả các sàn giao dịch tại châu Âu và những thị trường chứng khoán tại châu Á không nghỉ Tết Trung thu đều bị mất giá.

Cụ thể, tại châu Âu, thị trường chứng khoán London ghi nhận giảm 3.37%, Paris giảm 4.47%, Đức giảm 3.18%. Đặc biệt, hai thị trường chứng khoán chính của Nga đã phải tạm ngừng giao dịch sau khi các chỉ số chứng khoán giảm lần lượt là 11% và 16%. Tại châu Á, các thị trường chứng khoán Nhật, Hồng Kông, Hàn Quốc đóng cửa vì nghỉ lễ trong khi Ấn Độ giảm 3.4%, Đài Loan giảm 4.1% và Singapore giảm 3.2%.

Dư âm của vụ phá sản ở Lehman Brothers đã gây ra những làn sóng bán bất tận trên hầu hết tất cả các loại tài sản, không chỉ riêng chứng khoán trong nhiều ngày. Và tất cả những điều này đã xảy ra trên khắp thế giới. Sau này, chính Ủy ban điều tra cuộc khủng hoảng kết luận: "Cuộc khủng hoảng tài chính đạt đến mức độ kinh hoàng với sự sụp đổ của Lehman Brothers".

Nói về vụ Lehman Brothers, Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó đã gọi cơn chấn động phố Wall là cuộc sụp đổ “lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái” (năm 1930).

Liệu Ngân hàng Silicon Valley có lặp lại lịch sử?

Ngày 10/3/2023, Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC) đã thông báo đóng cửa và tịch thu tài sản của Ngân hàng Silicon Valley (SVB), ngân hàng thương mại lớn thứ 16 nước Mỹ với khối tài sản 209 tỷ USD, khiến giới đầu tư chấn động.

svb-.jpeg
Silicon Valley Bank chính thức sụp đổ.

Vụ việc của SVB khiến nhiều người lo ngại một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong hệ thống tài chính Mỹ giống như sau vụ Lehman Brothers hồi năm 2008.

Trong hai phiên 9-10/3, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng lớn tại Mỹ đồng loạt bị bán tháo và vốn hóa bốc hơi hàng chục tỷ USD. Cụ thể, một số cổ phiếu ngân hàng đã liên tục bị tạm dừng giao dịch bao gồm First Republic, PacWest and Signature Bank. Cổ phiếu First Republic giảm 14,8% còn cổ phiếu PacWest bốc hơi 37,9%.

Một số cổ phiếu ngân hàng đầu ngành bị giảm nhẹ. Goldman Sachs và Bank of America lần lượt giảm 4,2% và 0,9%, trong khi JPMorgan vẫn tăng 2,5%.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/3, chỉ số Dow Jones giảm phiên thứ 4 liên tiếp, mất 345,22 điểm xuống 31.909,64 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,45% xuống 3.861,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 1,76% còn 11,138.89 điểm.

Cả 3 chỉ số chính này đều khép lại tuần qua với sắc đỏ. Dow Jones giảm 4,44%, ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2022. S&P 500 mất 4,55%, còn Nasdaq Composite sụt 4,71% trong tuần.

Tờ CNBC nhận định, việc ngân hàng này đóng cửa biến đây trở thành vụ sụp đổ lớn nhất của một ngân hàng kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008, và lớn thứ hai trong lịch sử.

Tuy nhiên, một chuyên gia của Capitalmind cho rằng, SVB không có quy mô lớn như Lehman Brothers nên lo ngại là không quá lớn.

VNDirect: Áp lực tỷ giá lên VND giảm nhờ chu kỳ tăng lãi suất của Fed sắp kết thúc

First Republic bên bờ vực phá sản, giới chức Mỹ đề nghị 2 “đại gia” JPMorgan, PNC mua lại

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhin-lai-cu-sup-do-cua-ngan-hang-lehman-brothers-lieu-silicon-valley-co-lap-lai-lich-su-173110.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhìn lại cú sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers: Liệu Silicon Valley có lặp lại lịch sử?
    POWERED BY ONECMS & INTECH