Quốc tế

Những tượng đài như Samsung hay LG tụt lại phía sau trong cuộc đua bán dẫn, phép màu kinh tế của Hàn Quốc thực sự đã kết thúc?

Vũ Bấc 24/04/2024 12:39

Tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, Hàn Quốc có lẽ không thể sống sót trong "cuộc chiến bán dẫn" nếu còn giữ tư duy kinh tế cũ từ thời "kì tích sông Hán".

Khi cả thế giới đang hùng hục lao vào “cuộc chiến bán dẫn” toàn cầu, ngành xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc sắp bị các đối thủ trên khắp châu Á và phương Tây soán ngôi. Và đương nhiên Hàn Quốc sẽ không thể "khoanh tay đứng nhìn".

Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Dukgeun mới đây đã dự buổi khánh thành nhà máy sản xuất chip của SK Hynix tại khu đất rộng 1.000 mẫu Anh ở thị trấn Yongin, ngoại ô Seoul, với khoản đầu tư ban đầu lên tới 91 tỷ USD.

Những tượng đài như Samsung hay LG tụt lại phía sau trong cuộc đua bán dẫn, phép màu kinh tế của Hàn Quốc thực sự đã kết thúc?
Các công nhân đang di chuyển 40.000 m3 đất mỗi ngày để xây móng cho cụm cơ sở sản xuất chip mới của SK Hynix ở Yongin

Nhà máy chip khổng lồ này chỉ là một phần của một “cụm công nghiệp lớn” trị giá 471 tỷ USD tại Yongin, bên cạnh đó là khoản đầu tư 300 nghìn tỷ won (220 tỷ USD) của Samsung Electronics.

Cuộc đua sản xuất chip toàn cầu đang nóng hơn bao giờ hết và Chính phủ Hàn Quốc nóng lòng đem “phép màu kinh tế” của thập niên 1980 trở lại bằng một mô hình cũ từ thời Tổng thống Park Chung Hee.

Mặc dù hầu hết các chuyên gia trong ngành đều đồng ý rằng các khoản đầu tư vào Yongin là cần thiết, nhưng nhìn chung các nhà sản xuất chip Hàn Quốc sẽ chẳng duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ chip được bao lâu.

Tuy không ai nói ra, nhưng họ đều biết thứ cần cải cách đầu tư đầu tiên là tư duy và mô hình kinh tế trong đầu những nhà hoạch định chính sách của đất nước Hàn Quốc.

Một ngôi nhà với những trụ cột đã cũ mục

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc năm ngoái đã cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng hàng năm đang trên đà giảm xuống mức trung bình 2,1% trong những năm 2020, 0,6% trong những năm 2030 và sẽ bắt đầu tăng trưởng chậm lại, giảm xuống còn 0,1% mỗi năm vào những năm 2040.

Trong giai đoạn từ 1970 - 2022, tăng trưởng trung bình của Hàn Quốc hàng năm vào khoảng 6,4%/năm.

Phép màu kinh tế, thành tựu đáng tự hào của những người Hàn Quốc khó có thể xảy ra thêm lần nữa trong cuộc đua bán dẫn toàn cầu, theo các chuyên gia nhận định.

Khu vực sản xuất truyền thống giúp kinh tế Hàn Quốc cất cánh là công nghiệp sản xuất đã có dấu hiệu chững lại.

Những tượng đài như Samsung hay LG tụt lại phía sau trong cuộc đua bán dẫn, phép màu kinh tế của Hàn Quốc thực sự đã kết thúc?
Nhà máy sản xuất chip của Samsung

Các siêu tập đoàn gia đình (Chaebol) không sẵn lòng cống hiến vì mục tiêu chung, nhiều trong số đó hiện được giám sát bởi thế hệ thứ ba của gia đình sáng lập, đã chuyển từ “tư duy tăng trưởng” và nghị lực đưa đất nước thoát nghèo sang “tư duy đương nhiệm” sinh ra từ sự tự mãn và thịnh vượng kéo dài.

Trụ cột của các mô hình hoạch định kinh tế cũ này là nguồn năng lượng và lao động giá rẻ. Nhưng giờ đây, Kepco, công ty độc quyền năng lượng thuộc sở hữu Nhà nước, cung cấp nguồn năng lượng giá rẻ “như cho” cho các nhà sản xuất Hàn Quốc (do được trợ cấp thuế công nghiệp) đang gánh khoản nợ lên tới 150 tỷ USD.

Xét về trụ cột nhân lực lao động giá rẻ, Hàn Quốc đang phải chuẩn bị cho khủng hoảng nhân khẩu học sắp xảy ra. Theo Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, tổng sản phẩm quốc nội của nước này vào năm 2050 sẽ thấp hơn 28% so với năm 2022, do dân số trong độ tuổi lao động giảm gần 35%.

Các vấn đề cố hữu trong xã hội Hàn Quốc như trọng nam khinh nữ, trọng bằng cấp... cũng kìm hãm số lượng lớn lao động nữ gia nhập nền kinh tế, đồng thời dư thừa lao động tri thức. Lao động nhập cư là nguồn chính cho lực lượng lao động chân tay luôn thiếu hụt tại xứ sở kim chi.

Những tượng đài như Samsung hay LG tụt lại phía sau trong cuộc đua bán dẫn, phép màu kinh tế của Hàn Quốc thực sự đã kết thúc?
Nguồn lao động sắp trở thành một cuộc khủng hoảng với nền kinh tế Hàn Quốc

Ông Park Sang In, Giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul nói: “Nhìn từ bên ngoài, bạn sẽ cho rằng Hàn Quốc cực kỳ năng động. “Nhưng cơ cấu kinh tế của chúng ta, dựa trên việc bắt kịp các nước phát triển thông qua việc bắt chước, về cơ bản đã không thay đổi kể từ những năm 1970”.

Có lẽ, việc cải cách “mô hình cũ” khó khăn đến vậy là vì các nhà cầm quyền vẫn chưa vượt qua được cái bóng của “kỳ tích sông Hán”, không thôi hy vọng về việc thực hiện đường lối cũ sẽ đưa đất nước cất cánh tăng trưởng.

Tụt lại trong cuộc đua với các cường quốc sản xuất công nghệ châu Á

Bên cạnh mô hình kinh tế cần nhiều cải cách nhanh chóng hơn, Hàn Quốc có vẻ cũng đang có cách tiếp cận cuộc đua công nghiệp bán dẫn chưa sáng suốt.

Ông Park lưu ý rằng điểm yếu của Hàn Quốc là việc phát triển “các công nghệ cơ bản” mới - trái ngược với thế mạnh của nước này trong việc thương mại hóa các công nghệ bán dẫn được phát triển ở Mỹ và Nhật Bản. Điểm yếu này giúp các đối thủ Trung Quốc thu hẹp khoảng cách đáng kể với Hàn Quốc trong ngành bán dẫn.

Mô hình “kỳ tích sông Hán” đạt đến đỉnh cao vào năm 2011, sau một thập kỷ xuất khẩu công nghệ của Hàn Quốc bùng nổ nhờ công nghệ, cũng như bởi các khoản đầu tư lớn của Samsung và LG để giành quyền kiểm soát ngành công nghiệp màn hình toàn cầu từ các đối tác Nhật Bản.

Tuy nhiên, sau đó các công ty công nghệ Trung Quốc đã bắt kịp các đối thủ Hàn Quốc ở hầu hết mọi lĩnh vực ngoại trừ chất bán dẫn tiên tiến nhất, có nghĩa là các công ty Trung Quốc từng là khách hàng hoặc nhà cung cấp giờ đã trở thành đối thủ. Samsung và LG đang đấu tranh để sinh tồn trong ngành công nghiệp màn hình toàn cầu mà họ thống trị chỉ vài năm trước.

>> Quốc gia châu Á khởi công cùng lúc 2 nhà máy chip trị giá hàng chục tỷ USD, 'tất tay' cho giấc mơ lớn

Hàn Quốc muốn viết ‘huyền thoại bán dẫn mới’ trong 30 năm tới

Nghịch lý ngành bán dẫn: Khát nhân lực giữa cuộc chiến chip toàn cầu

Trên chuyến xe buýt của tầng lớp lao động Hàn Quốc

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhung-tuong-dai-nhu-samsung-hay-lg-tut-lai-phia-sau-trong-cuoc-dua-ban-dan-phep-mau-kinh-te-cua-han-quoc-thuc-su-da-ket-thuc-231950.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Những tượng đài như Samsung hay LG tụt lại phía sau trong cuộc đua bán dẫn, phép màu kinh tế của Hàn Quốc thực sự đã kết thúc?
POWERED BY ONECMS & INTECH