Rút ngắn thời gian đóng BHXH: Cơ hội mới cho người lao động
Luật Bảo hiểm xã hội mới đã có nhiều thay đổi trong quy định thời gian đóng BHXH và mức lương hưu của lao động nam và nữ.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được chính thức thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Luật gồm 11 chương và 141 điều, tăng 2 chương và 16 điều so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội mới
Theo đó, một số sửa đổi liên quan đến số năm đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) như sau: để được hưởng lương hưu hàng tháng, thời gian đóng BHXH tối thiểu sẽ từ 20 năm được giảm xuống còn 15 năm. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng đề cập: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.
Quy định về mức lương hưu hàng tháng, lao động nữ sẽ được hưởng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó tính thêm 2% cho mỗi năm đóng thêm, mức tối đa là 75%. Đối với lao động nam, mức lương hưu hàng tháng được nhận là 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, sau đó tính thêm 1% cho mỗi năm đóng thêm nếu thời gian đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 20 năm.
Trong trường hợp muốn nhận lương hưu hàng tháng giống lao động nữ khi đóng BHXH 15 năm thì lao động nam phải đóng BHXH đủ 20 năm để hưởng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Vì sao thời gian đóng BHXH được rút ngắn và có sự chênh lệch giữa nam và nữ khi hưởng lương hưu?
Giải đáp các thắc mắc, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết luật mới có sự kế thừa từ Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Công thức tính lương không có sự thay đổi nhưng có sự bổ sung về cách tính lương hưu với lao động nam đóng từ 15 năm đến dưới 20 năm.
“Vấn đề tỷ lệ hưởng lương hưu đã được đặt ra, tuy nhiên, sau khi đánh giá cặn kẽ tác động và khả năng cân đối của quỹ hưu trí tử tuất, chủ trương là kế thừa luật hiện hành và không sửa đổi tỷ lệ hưởng lương hưu", ông Cường nói.
Qua các khảo sát thực tiễn, 20 năm đóng BHXH là một khoảng thời gian quá dài, có thể làm người tham gia đóng BHXH bị nản chí. Việc rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm là một chiến lược khuyến khích người lao động tham gia BHXH, đặc biệt là người lao động tự do hoặc làm việc trong những ngành nghề không ổn định.
Bên cạnh đó, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH cũng giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực, giảm chi phí lao động và khuyến khích các doanh nghiệp duy trì và mở rộng đội ngũ nhân viên. Chính việc mở rộng lao động sẽ giúp giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân.
>>Bộ Y tế đề xuất tăng chi ngân sách, điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế
Người dân nghỉ hưu sau 1/7/2024 có được tăng lương hưu 15%?
Lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng tác động đến người lao động như thế nào?