Sau nhiều cuộc gọi, chị H. chuyển 900 triệu cho một nhân viên giao hàng rồi quyết định báo công an
Chỉ đến khi kẻ lừa đảo yêu cầu chị chuyển tiếp 200 triệu đồng để hoàn tất việc "hoàn tiền", chị H. mới bắt đầu nghi ngờ và quyết định đến cơ quan công an trình báo.
Ngày 8/5/2025, Công an quận Tây Hồ, TP. Hà Nội cho biết nhận được trình báo từ chị H. (SN 1985, trú tại Long Biên, Hà Nội) về việc bị lừa đảo số tiền lên tới hơn 900 triệu đồng.
Theo thông tin ban đầu, ngày 6/5/2025, chị H. nhận được cuộc gọi từ một người lạ tự xưng là nhân viên giao hàng. Người này thông báo rằng chị có một đơn hàng cần thanh toán và yêu cầu chị chuyển khoản. Không mảy may nghi ngờ, chị H. liền chuyển khoản.

Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, chị lại nhận được cuộc gọi từ đối tượng trên. Lần này, chị được thông báo đã chuyển khoản nhầm và hướng dẫn các bước để nhận lại số tiền đã chuyển. Người này yêu cầu chị hủy thẻ hội viên và gửi cho chị H. một mã QR, yêu cầu chị dùng tài khoản ngân hàng để quét mã này nhằm hoàn lại tiền đã chuyển.
Thấy hướng dẫn cụ thể, hợp lý, chị H. đã quét mã QR, xác nhận giao dịch. Thế nhưng, ngay sau khi vừa xác nhận, tài khoản ngân hàng của chị liền bị trừ 2 triệu đồng. Khi thắc mắc với dịch vụ chăm sóc khách hàng, chị H. nhận được lời giải thích là do thao tác sai. Để hoàn lại tiền, chị H. được đối tượng yêu cầu thực hiện lại quy trình quét mã.
Cứ như vậy, chị H. bị người này liên tục thúc ép quét mã QR để nhận được số tiền đã hoàn. Vì quá tin tưởng, chị H. còn sử dụng tài khoản ngân hàng khác để tiếp tục quét mã. Mỗi lần như vậy, tài khoản ngân hàng của chị đều bị trừ tiền, lần quét mã sau lại bị trừ nhiều hơn lần trước. Tổng cộng chị H. đã chuyển hơn 900 triệu đồng vào các tài khoản mà đối tượng cung cấp.
Chỉ đến khi kẻ lừa đảo yêu cầu chị chuyển tiếp 200 triệu đồng để hoàn tất việc "hoàn tiền", chị H. mới bắt đầu nghi ngờ và quyết định đến cơ quan công an trình báo.

Công an TP. Hà Nội cảnh báo hiện nay có rất nhiều trường hợp bị “shipper dởm” lừa đảo, yêu cầu chuyển khoản, quét mã QR… Vì thế, người dân cần hết sức thận trọng khi nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ, đặc biệt là khi chưa nhận hàng.
Trước khi chuyển khoản, mọi người hãy xác minh thật kỹ các thông tin để tránh mắc bẫy lừa đảo. Các doanh nghiệp bưu chính hiện nay đều có các trang web và ứng dụng để theo dõi tình trạng đơn hàng, vì vậy, người dân cần chủ động kiểm tra thông tin và chỉ nhận hàng khi đã rõ ràng. Nếu phát hiện mình bị lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an để được hỗ trợ kịp thời.
Hiện nay, kẻ lừa đảo ngày càng tinh vi, lợi dụng các sơ hở để chiếm đoạt tài sản một cách bài bản, chuyên nghiệp. Một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ giao hàng đã cảnh báo đến người dân cách phòng tránh shipper lừa đảo. Theo đó, để tránh nguy cơ rơi vào “bẫy” của chiêu thức lừa đảo, mạo danh shipper, bạn cần lưu ý các điều sau:
- Theo dõi tiến độ giao hàng thường xuyên
Các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển uy tín thường cung cấp mã vận đơn, cả người bán và người mua đều dễ dàng theo dõi tình trạng đơn hàng. Vì thế, khách hàng nên thường xuyên kiểm tra tiến trình giao hàng qua ứng dụng hoặc trang web để biết đơn hàng đang ở đâu. Nếu phát hiện có sự cố hoặc thông tin bất thường, bạn nên liên hệ ngay với người bán hoặc đơn vị vận chuyển để được hỗ trợ.
- Chỉ thanh toán khi nhận và kiểm tra hàng
Trước khi thực hiện thanh toán, khách hàng cần kiểm tra kỹ lưỡng sản phẩm xem có đúng với mô tả, đủ số lượng và không bị hư hỏng. Nếu có bất kỳ sự cố nào, bạn có quyền từ chối nhận hàng và thông báo cho người bán. Tránh thanh toán trước khi kiểm tra hàng vì khi đã thanh toán, khả năng yêu cầu hoàn lại tiền sẽ khó khăn hơn.
- Không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân không rõ nguồn gốc
Một số kẻ lừa đảo thường yêu cầu chuyển tiền trước vào tài khoản cá nhân không thuộc đơn vị vận chuyển. Nếu gặp phải trường hợp này, hãy từ chối và liên hệ với người bán để xác minh lại thông tin. Để giảm thiểu rủi ro, bạn có thể chọn thanh toán qua ngân hàng ngay khi đặt hàng, thay vì chọn phương thức thanh toán khi nhận hàng (COD).
- Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội
Việc công khai các thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ qua mạng xã hội hoặc livestream có thể khiến bạn trở thành mục tiêu của kẻ xấu. Những kẻ này có thể lợi dụng thông tin của bạn để mạo danh hoặc thực hiện các hành vi lừa đảo khác. Tốt nhất là bạn nên trao đổi thông tin đặt hàng riêng tư với người bán thay vì công khai trên các nền tảng xã hội.
- Không truy cập vào các đường dẫn lạ
Một số kẻ xấu có thể gửi các liên kết giả mạo qua tin nhắn hoặc email, yêu cầu bạn cập nhật thông tin đơn hàng hoặc thực hiện thanh toán. Những liên kết này có thể dẫn đến các trang web giả mạo hoặc chứa mã độc nhằm đánh cắp các dữ liệu cá nhân của bạn. Vì vậy, hãy luôn cẩn thận và không nhấp vào bất kỳ liên kết nào không rõ nguồn gốc. Chỉ truy cập các liên kết từ các nguồn chính thức như trang web hoặc ứng dụng của người bán hoặc đơn vị vận chuyển.
- Sử dụng hệ thống nhắn tin của ứng dụng mua hàng để giao tiếp với shipper
Các sàn thương mại điện tử thường cung cấp hệ thống nhắn tin nội bộ để khách hàng và shipper có thể trao đổi thông tin một cách an toàn và có minh bạch. Để tránh những tình huống lừa đảo, bạn nên sử dụng hệ thống này thay vì liên lạc qua số điện thoại cá nhân của shipper.
- Không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai
Mã OTP là một thông tin bảo mật quan trọng, thường được dùng để xác nhận giao dịch hoặc thay đổi thông tin tài khoản. Chẳng hạn, không có lý do gì mà shipper, người bán, hay đơn vị vận chuyển lại yêu cầu bạn cung cấp mã OTP. Nếu ai đó yêu cầu mã OTP, đó có thể là dấu hiệu của một vụ lừa đảo và bạn cần từ chối ngay lập tức.