Đây là yêu cầu của Chính phủ liên quan đến đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của trưởng Ban chỉ đạo - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Trong đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu ưu tiên khởi công hai tuyến đường sắt tốc độ cao trước năm 2030, trong đó có tuyến Hà Nội - Lạng Sơn kết nối với Trung Quốc.
Đề cập đến không gian phát triển giao thông vùng đồng bằng sông Hồng, Thường trực Chính phủ cho rằng cần nghiên cứu, mở rộng phát triển, tổ chức giao thông cho phù hợp, có tính đột phá nhằm giải quyết tắc nghẽn giao thông trong khu vực; đẩy mạnh quy hoạch đường sắt và tàu điện ngầm tại Hà Nội; phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam (đoạn đi qua vùng đồng bằng sông Hồng).
"Ưu tiên chuẩn bị và khởi công trước năm 2030 tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội kết nối với Trung Quốc", Thường trực Chính phủ yêu cầu.
Bên cạnh đó, thông báo cũng nêu rõ, các cơ quan cần nghiên cứu hợp lý vị trí sân bay thứ 2 - sân bay quốc tế trung chuyển lớn của vùng đồng bằng sông Hồng, dự phòng cho sân bay Quốc tế Nội Bài tại khu vực phù hợp, tiết kiệm đất đai.
Cùng với không gian phát triển giao thông, Thường trực Chính phủ đề cập đến không gian phát triển văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng. Theo đó, các cơ quan cần phân tích, nêu bật các đặc trưng lớn, điểm nhấn văn hóa của vùng (lịch sử, văn hóa lúa nước, nhà Trần…) gắn kết với việc phát huy giá trị lịch sử, văn hóa với phát triển kinh tế du lịch.
Đồng thời, các cơ quan xây dựng giải pháp, cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư tạo ra các không gian, công trình văn hóa hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thường trực Chính phủ yêu cầu khôi phục và làm "sống" các dòng sông, gắn kết văn hóa lưu vực các dòng sông trong khu vực; tăng cường phát triển giao thông thủy nội địa trong vùng và liên kết vùng, phát huy các lợi thế của du lịch dọc theo các tuyến đường thủy.
Về không gian phát triển đô thị, thông báo nêu rõ, nghiên cứu, rà soát bố trí phát triển không gian đô thị hợp lý, quy hoạch đô thị hướng tới không gian xanh, thông minh, hiện đại, gắn kết với giao thông công cộng.
Cũng tại thông báo kết luận về Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thường trực Chính phủ chỉ đạo rà soát phương án xác định các cực tăng trưởng của vùng với mục tiêu là trọng tâm đóng góp GPD cho vùng và cả nước, có dư địa phát triển trong thời gian tới.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã xin ý kiến về 3 kịch bản đường sắt Bắc - Nam có chiều dài 1.545km, đi qua 20 tỉnh, thành phố. Trong đó có 2 kịch bản tàu tốc độ 350km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.
Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, dài 1.545km, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.
Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250km/h, chạy tàu hàng tối đa 120km/h. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.
Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.
>> Đường sắt cao tốc Bắc - Nam tốc độ 350km/h: Giao thông Hà Nội và TP. HCM có thay đổi lớn
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam tốc độ 350km/h: Giao thông Hà Nội và TP. HCM có thay đổi lớn
Cung đường sắt đẹp nhất thế giới ở tỉnh hẹp nhất Việt Nam được rót 2.000 tỷ đồng để cải tạo