Siêu kế hoạch dùng năng lượng hạt nhân khai thác khí đá phiến ở độ sâu hàng nghìn mét của nước gần Việt Nam, vượt xa 'tầm với' của khoan thủy lực
Trung Quốc từng dự định áp dụng công nghệ hạt nhân để tiếp cận và khai thác trữ lượng khí đá phiến khổng lồ tại Tứ Xuyên.
Mặc dù sở hữu trữ lượng khí đá phiến lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu khí thiên nhiên trong nước. Thách thức lớn nhất đối với việc khai thác khí đá phiến ở đây là khoảng 80% trữ lượng nằm ở độ sâu hàng nghìn mét, vượt xa khả năng của các phương pháp khoan thủy lực truyền thống.
Một nhóm nhà khoa học chuyên nghiên cứu vũ khí hạt nhân, dẫn đầu bởi Giáo sư Zhang Yongming từ Phòng thí nghiệm sóng xung kích có kiểm soát của Đại học Giao Thông Tây An, đã giới thiệu một phương pháp khai thác mới sử dụng "thanh năng lượng" với khả năng đào sâu vượt trội.
Khác với phương pháp khoan thủy lực truyền thống, vốn dựa trên áp suất nước để làm nứt tầng đá và giải phóng khí, công nghệ mới của Giáo sư Zhang sử dụng dòng điện mạnh để tạo ra sóng xung kích được kiểm soát chặt chẽ, đạt hiệu quả tương tự.
Công nghệ này cho phép các nhà khoa học kiểm soát chính xác năng lượng, thời gian và hướng của vụ nổ, dựa trên nguyên lý tương tự như khi kích nổ quả bom nguyên tử Little Boy mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima vào năm 1945. Tuy nhiên, thiết bị của Giáo sư Zhang không tạo ra vụ nổ hạt nhân, mà chỉ sử dụng các sóng xung kích để khai thác khí đá phiến. Điều khác biệt đáng chú ý nhất là thanh năng lượng của Zhang có thể chịu được hàng trăm lần kích nổ, giúp tăng cường hiệu quả khai thác.
Giáo sư Wang Chengwen từ Đại học Dầu khí Trung Quốc cho biết công nghệ này thân thiện với môi trường hơn so với phương pháp thủy lực truyền thống, do không tạo ra nước thải chứa hóa chất độc hại, vốn có thể gây ô nhiễm nguồn nước.
Tuy nhiên, Giáo sư Chnen Qun từ Đại học Tứ Xuyên lưu ý rằng các tác động môi trường tiềm tàng cần được đánh giá cẩn thận, đặc biệt là trong bối cảnh Tứ Xuyên thường xuyên xảy ra động đất và sạt lở. Nếu không được kiểm soát tốt, công nghệ có thể gây ra những biến đổi địa chất đáng lo ngại, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng trong khu vực.
Phó Giáo sư Shi Lei từ Đại học Thanh Hoa cũng cảnh báo rằng, việc khai thác khí đá phiến quy mô lớn có thể dẫn đến giảm giá nhiên liệu hóa thạch, từ đó cản trở sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo. Ông cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù đã có tiến bộ trong công nghệ khai thác, Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu.