Nhiều doanh nghiệp bất động sản nhà ở đã gia tăng “của để dành” nhờ có hàng nghìn tỷ người mua trả tiền trước tại thời điểm cuối năm 2021.
Trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản, khoản mục “người mua trả tiền trước” chính là phần ghi nhận tiền khách hàng trả trước hay đặt cọc mua sản phẩm. Khoản này càng cao càng thể hiện khả năng bán hàng tốt và cho thấy dấu hiệu tăng doanh thu cũng như lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp. Nói cách khác, đây chính là “của để dành” của doanh nghiệp.
Thống kê cho thấy, khoảng cuối năm 2021, Vinhomes (HOSE: VHM) là đơn vị ghi nhận giá trị khoản mục này lớn nhất với 8.916 tỷ đồng, tương đương 4% tổng nguồn vốn, song giảm mạnh 67% so với đầu năm.
Novaland (HOSE: NVL) cũng có khoản tiền người mua trả trước cao với hơn 8.305 tỷ đồng, gấp đôi so với đầu năm. Tương tự Vinhomes, con số này chỉ chiếm khoảng 4% tổng tài sản công ty.
Vinaconex (HOSE: VCG) ghi nhận ở mức hơn 6.592 tỷ đồng, gấp gần 3 lần đầu năm và chiếm 21% tổng nguồn vốn.
An Gia (HOSE: AGG) cũng là một cái tên đáng chú ý khi giá trị khoản người mua trả tiền trước đạt hơn 3.335 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng cao trên tổng nguồn vốn với 26,5%.
Ngoài ra, có một số doanh nghiệp nằm trong nhóm người mua trả tiền trước trên nghìn tỷ đồng khác như: Nam Long (HOSE: NLG), Đất Xanh (HOSE: DXG), DIC Corp (HOSE: DIC), Phát Đạt (HOSE: PDR), TTC Land (HOSE: SCR), Hà Đô (HOSE: HDG) trong đó hệ số lượng tiền trả trước/tổng nguồn vốn của Nam Long, DIC Corp và TTC Land đều đạt hơn 10%.
Ở chiều ngược lại, một số công ty có giá trị thấp ở khoản mục người mua trả tiền trước và chiếm 1-2% tổng nguồn vốn. Đáng chú ý, phần người mua trả trước của Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) giảm mạnh 93% về 156 tỷ đồng, tương đương 1% tổng nguồn vốn.
Các doanh nghiệp khác cũng ghi nhận khoản người mua trả tiền thấp như: Hải Phát (HOSE: HPX), Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB), Cen Land (HOSE: CRE)…